Cảnh báo trái đất rơi vào vùng nguy hiểm và ‘thực sự lâm bệnh’

Khánh An
Khánh An
01/06/2023 16:45 GMT+7

Nghiên cứu vừa công bố báo động việc trái đất rơi vào "vùng nguy hiểm" khi nhiều giới hạn an toàn bị phá vỡ.

Cảnh báo trái đất rơi vào vùng nguy hiểm và ‘thực sự lâm bệnh’ - Ảnh 1.

Giới khoa học lo ngại rằng trái đất đang "lâm bệnh"

AFP

Hãng AP ngày 1.6 dẫn nghiên cứu mới công bố cho thấy trái đất đã vượt 7 trong số 8 giới hạn an toàn do giới khoa học thiết lập và rơi vào "vùng nguy hiểm", không chỉ vì nhiệt độ gia tăng gây mất nhiều khu vực tự nhiên mà còn ảnh hưởng sức khỏe cư dân.

Nghiên cứu do mạng lưới các nhà khoa học toàn cầu Earth Commission đăng trên chuyên san Nature ngày 31.5 xem xét các yếu tố khí hậu, ô nhiễm không khí, ô nhiễm phốt pho và ni tơ trong nước từ việc lạm dụng phân bón, nguồn nước ngầm, nước bề mặt, môi trường tự nhiên và môi trường do con người tạo dựng.

Chỉ có yếu tố ô nhiễm không khí là chưa hoàn toàn ở điểm nguy cấp trên toàn cầu, dù vẫn nguy hiểm ở cấp độ địa phương và vùng.

Nghiên cứu phát hiện những "điểm nóng" liên quan nhiều vấn đề khắp Đông Âu, Nam Á, Trung Đông, Đông Nam Á, một phần châu Phi và phần lớn Brazil, Mexico, Trung Quốc và miền tây nước Mỹ. Khoảng 2/3 trái đất không đáp ứng các tiêu chí về nước ngọt an toàn, các nhà khoa học nêu ví dụ.

Theo chuyên gia Kristie Ebi, giáo sư về khí hậu và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Washington (Mỹ) và là đồng tác giả nghiên cứu, con người đang ở trong vùng nguy hiểm đối với hầu hết các giới hạn của trái đất.

Giáo sư Joyeeta Gupta tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) và là đồng chủ tịch Earth Commission ví von rằng nếu trái đất khám sức khỏe định kỳ hằng năm như con người thì "các bác sĩ sẽ nói rằng trái đất thực sự lâm bệnh ở nhiều cơ quan và bệnh này còn ảnh hưởng con người sống trên hành tinh".

Các nhà khoa học cho biết trái đất có thể hồi phục nếu có sự thay đổi trong việc sử dụng than đá, dầu và khí thiên nhiên, cũng như cách xử lý đất và nước. Tuy nhiên, con người lại đi sai đường trong hầu hết các yếu tố đó, theo chuyên gia Johan Rockstrom, giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động khí hậu Potsdam (Đức) dẫn đầu nghiên cứu.

Giáo sư Lynn Goldman tại Đại học George Washington (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu, nhận định rằng nghiên cứu trên "có phần táo bạo", nhưng bà không tỏ ra lạc quan về việc nghiên cứu sẽ dẫn đến nhiều hành động nhằm "chữa bệnh" cho trái đất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.