Cảnh báo trí tuệ nhân tạo vượt tầm kiểm soát

Khánh An
Khánh An
31/03/2023 07:43 GMT+7

Hơn 1.000 chuyên gia kêu gọi tạm dừng việc tạo ra "những bộ não kỹ thuật số khủng", nhằm đánh giá và giảm thiểu nguy cơ đối với nhân loại.


Tờ The Guardian ngày 30.3 đưa tin hơn 1.000 chuyên gia kêu gọi lập tức dừng tạo ra những bộ máy trí tuệ nhân tạo (AI) "khủng" trong ít nhất 6 tháng, nhằm có thời gian đánh giá đúng năng lực và giảm thiểu nguy cơ. Lời kêu gọi được đưa ra trong thư ngỏ được ký bởi những tên tuổi lớn trong lĩnh vực AI như tỉ phú Elon Musk, người đồng sáng lập phòng thí nghiệm OpenAI (Mỹ) đã giúp tạo ra ChatGPT và GPT-4, bên cạnh nhà sáng lập Công ty Stability AI (Anh) Emad Mostaque và nhà đồng sáng lập Apple (Mỹ) Steve Worzniak. Đồng ký tên còn có các kỹ sư của Amazon, DeepMind, Google, Meta, Microsoft và nhiều học giả như nhà khoa học nhận thức Gary Marcus.

Cảnh báo trí tuệ nhân tạo vượt tầm kiểm soát  - Ảnh 1.

Một siêu máy tính trí tuệ nhân tạo ở California, Mỹ

Reuters

Cuộc đua nguy hiểm

Trong vài tháng gần đây, các phòng thí nghiệm AI ồ ạt tham gia cuộc đua nhằm phát triển và đưa vào sử dụng những bộ óc kỹ thuật số ngày càng mạnh mà ngay cả những người tạo ra cũng chưa chắc đã hiểu, tiên đoán hoặc kiểm soát. "Những hệ thống AI mạnh mẽ nên được phát triển chỉ khi chúng ta tự tin rằng hiệu quả là tích cực, còn nguy cơ có thể kiểm soát", theo thư ngỏ được ký nhờ sự điều phối của Viện Future of Life (Mỹ).

AI có thể thay thế 300 triệu lao động ?

Công nghệ AI sáng tạo nội dung, như nền tảng ChatGPT, có thể mang đến ảnh hưởng ở mức độ nào đó cho khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian, theo Đài CNBC dẫn cảnh báo của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ). Trong báo cáo mới, các nhà kinh tế học của Goldman Sachs ước tính 18% số việc làm trên toàn cầu có thể được máy tính hóa, và mức độ ảnh hưởng sẽ thể hiện rõ ràng ở những nền kinh tế hiện đại hơn là các thị trường mới nổi.

Cụ thể, những người làm việc trong lĩnh vực hành chính và luật sư là nhóm đối mặt nguy cơ cao nhất. Tại Mỹ và châu Âu, 2/3 số việc làm có thể tự động hóa một phần bằng AI và 1/4 số công việc có thể hoàn toàn bị thay thế bởi công nghệ này. "Nếu AI sáng tạo nội dung thể hiện đúng tiềm năng, thị trường lao động có thể đối mặt sự gián đoạn nghiêm trọng", theo báo cáo. Những nước ít bị ảnh hưởng bởi làn sóng mới là Trung Quốc, Nigeria, Việt Nam, Kenya và Ấn Độ.

H.G

Các tác giả dẫn lại việc nhà đồng sáng lập OpenAI Sam Altman từng viết trên mạng xã hội hồi tháng 2 rằng "vào thời điểm nào đó, có lẽ điều quan trọng là cần độc lập xem xét lại trước khi bắt đầu huấn luyện các hệ thống mới". Theo lá thư, đây chính là thời điểm đó. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng nếu giới nghiên cứu không tự nguyện dừng phát triển những mô hình AI mạnh hơn GPT-4 thì chính phủ các nước cần can thiệp.

ChatGPT sắp lột xác mạnh mẽ nhờ GPT-4, Google Docs có "đũa thần" soạn thảo, Microsoft có gì để đua tranh?

Thư ngỏ nêu rõ rằng đây không phải là dừng phát triển AI nói chung, mà là bước lùi khỏi cuộc đua nguy hiểm nhằm tạo ra những mô hình còn khó lường hơn. Các chuyên gia kêu gọi dùng thời hạn 6 tháng để phát triển các giao thức an toàn, hệ thống điều hành AI và tái tập trung nghiên cứu về việc đảm bảo rằng các hệ thống AI chính xác, an toàn, cũng như "đáng tin cậy và trung thành hơn".

Nguy cơ khó lường

Thư ngỏ đặt câu hỏi rằng liệu chúng ta có nên phát triển những bộ não nhân tạo dần dần vượt số lượng, thông minh hơn, khiến con người trở nên lạc hậu và bị thay thế hay không? Đài Fox News cho rằng lời kêu gọi trong thư thể hiện sự lo ngại chưa từng có của giới chuyên môn về khả năng AI có thể hoạt động ở mức cao hơn trí tuệ con người, chẳng hạn như ChatGPT tạo ra điều mà những công nghệ khác không phân biệt được rằng đó là sản phẩm của máy tính.

Nhiều người nổi tiếng là nạn nhân AI

Vào ngày 23.4.2013, tin tặc giành quyền kiểm soát tài khoản Twitter của Hãng tin AP và tung tin giả rằng có 2 vụ nổ ở Nhà Trắng làm Tổng thống Mỹ bị thương, khiến chỉ số S&P 500 lập tức giảm 1%, trước khi phục hồi do thông tin bị bác bỏ. Tin giả trên mạng giờ đây đã tiến một bước lớn nhờ công cụ AI tạo nội dung, hình ảnh và thậm chí đoạn phim giả, dẫn đến nguy cơ gây bất ổn, xáo trộn khó lường về chính trị, kinh tế, xã hội.

Theo Bloomberg, những hình ảnh giả về cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chạy cùng cảnh sát chống bạo loạn đã lan truyền trên mạng xã hội vào tuần trước, nhưng nhanh chóng bị vạch trần. Hình ảnh giả Giáo hoàng Francis mặc áo khoác phao hàng hiệu đã thu hút hơn 4 triệu lượt xem, được cho là "trường hợp thông tin sai lệch AI cấp độ thực tế" đầu tiên.

Ngoài ra, giới lãnh đạo và cơ quan chức năng cảnh báo về vai trò của mạng xã hội đến thị trường tài chính. Bloomberg đặt vấn đề: thử tưởng tượng khi có đoạn phim giả về trục trặc của một ngân hàng lớn, một sự rút vốn ồ ạt trong thời đại kỹ thuật số sẽ khó ngăn chặn.

Chuyên gia Tristan Harris tại Trung tâm công nghệ nhân đạo (Mỹ) cho rằng tốc độ phát triển của AI khiến thế giới chứng kiến một thời đại mới và gợi nhớ về sự bắt đầu của thời đại hạt nhân. Theo ông, công nghệ GPT có khả năng nhận biết lỗ hổng an ninh mạng hoặc bắt chước giọng một người từ đoạn băng ghi âm giọng thật dài chỉ 3 giây. "Nền dân chủ, xã hội của chúng ta vận hành nhờ ngôn ngữ", ông lưu ý và cảnh báo về hậu quả nếu ngôn ngữ sai lệch, giả mạo tràn ngập xã hội.

Dù một số người ký tên trong thư từng nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng AI có thể hủy diệt nhân loại, chuyên gia về nhận thức Gary Marcus lo ngại hơn về những nguy hiểm trước mắt. Theo ông, những nguy cơ này bao gồm việc tung tin giả và mọi người dựa vào những hệ thống AI để được tư vấn về y tế và cảm xúc. "Tôi cho rằng lá thư cảnh báo đó đã thực sự đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử AI, và có lẽ là lịch sử nhân loại", tờ The New York Times dẫn lời ông phát biểu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.