Gần chục ngôi nhà đã bị hàng ngàn tấn đất đá từ núi Xanh tràn xuống san phẳng. Đã có 4 người tử nạn và 6 người bị thương trong vụ lở núi này. Suốt cả ngày hôm qua (20.12), hàng chục gia đình của xóm nghèo này dáo dác bồng bế con cái, khuân vác đồ đạc rời nhà. Giá như có một “lời khuyên” của các cấp chính quyền từ mấy hôm trước thì hẳn sẽ không có cảnh tang tóc và nhếch nhác như vậy tại xóm Phước Lộc này.
Cảnh sạt lở từ núi Xanh đã gửi một thông điệp đến các nhà quản lý ở tỉnh Khánh Hòa, kể cả với các tỉnh thường gặp lũ lụt ở miền Trung, rằng: nếu tiếp tục “thả nổi” người dân, để mặc họ chọn nơi định cư hoặc đẩy họ vào các khu tái định cư cạnh các chân núi thì sớm muộn gì cũng sẽ phải trả giá.
Khu dân cư dưới chân núi Xanh này không phải là khu tái định cư. Xóm nghèo ấy đã dang tay đón những người nghèo từ nhiều năm nay. Họ là dân lao động tứ xứ, không thể chen chân được ở những chỗ đất “an toàn” thuộc TP.Nha Trang vì quá tầm với, họ bèn chọn nơi này để “dung thân”. Nhìn bằng mắt thường thôi cũng đã thấy sự nguy hiểm nếu chọn nơi đây để ở lâu dài. Đặc thù của Nha Trang là tứ bề giăng mắc núi, lại toàn đá “mồ côi” trên những ngọn núi không một bóng cây này. Chỉ cần một sang chấn nhỏ thôi cũng đủ để hàng trăm ngàn hòn đá “mồ côi” ấy lao xuống chân núi, huống là mưa dai dẳng những ngày qua! Nhiều người dân ở khu vực này cho hay, từ vài bữa nay, họ có nghe “lùng bùng” trong lòng đất và có báo với chính quyền thôn, song không một lời “khuyên can” nào để người dân có thể rời nhà đi tạm cư đâu đó.
Liệu có nên đổ lỗi cho sự “vô cảm” của chính quyền thôn, xã (nếu có) vì đã không kiên quyết buộc dân di dời? Công bằng mà nói, chính quyền cơ sở có một phần trách nhiệm trong câu chuyện này, song lỗi lớn hơn cả là các nhà quản lý ở cấp cao hơn đã không có một quy hoạch nào mang tính căn cơ để cho dân có thể định cư trong sự an toàn về tính mạng của họ cả.
Bằng chứng rõ nhất là khu dân cư Hòn Xện phía bắc Nha Trang, là khu tái định cư cho dân ở các nơi bị “giải tỏa” nhường đất cho các dự án trong thành phố. Trận lũ quét rạng sáng 14.12 suýt nữa đã thành thảm họa cho hàng chục gia đình nơi đây nếu họ không chạy kịp. Con mương dẫn nước phía sau khu dân cư này đã vỡ toác khiến hàng trăm ngàn khối nước kèm theo đất đá trên núi trút xuống làm sập nhiều nhà dân. Giữa lòng thành phố mà có lũ quét là chuyện hy hữu, nhưng nó đã xảy ra tại Nha Trang.
Cùng với lũ quét ở Hòn Xện, vụ lở núi Xanh đã gửi thêm một cảnh báo rằng thảm họa sẽ không dừng lại ở đây nếu các nhà quản lý cứ đẩy dân tái định cư vào sống ở các chân núi như lâu nay. Vì Nha Trang không chỉ có Hòn Xện hay núi Xanh mà có 3 - 5 khu dân cư như thế.
Bình luận (0)