Cảnh báo vụ sạt lở bãi thải thứ 2 ở Thái Nguyên

20/04/2012 11:05 GMT+7

(TNO) Gần 300 hộ dân sinh sống ở quanh khu vực bãi thải của mỏ than Khánh Hòa (xã Phúc Hà, TP.Thái Nguyên) đang ngày đêm lo lắng, vì tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

>> Hé lộ nguyên nhân sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ
>> Kiểm tra toàn bộ hồ sơ tại mỏ than Phấn Mễ
>> Xem thường tính mạng của người dân
>> Vụ sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ: Nỗi sợ hãi kéo dài nhiều năm
>> Phế thải mỏ than sạt lở chôn vùi 7 người

Một số người dân xã Phúc Hà cho biết, từ hôm nghe tin sạt lở ở bãi thải mỏ than Phấn Mễ không đêm nào họ ngủ ngon giấc vì lo bãi thải gần nhà mình sạt lở. Trước đây khu vực bãi thải của mỏ than Khánh Hòa là rừng cây, đồi. Sau nhiều năm đổ thải đến nay bãi thải mỏ than Khánh Hòa là một trong những bãi đất đá lớn nhất, cao nhất ở tỉnh Thái Nguyên.

Báo cáo của Công ty than Khánh Hòa nêu rõ, hiện mỏ than Khánh Hòa đang đổ thải tại 2 bãi (bãi thải Nam và bãi thải Tây) đều nằm trên địa bàn xã Phúc Hà.

Quanh khu vực chân bãi thải có gần 300 hộ dân sinh sống. Trong đó, có 112 hộ ở trong phạm vi bán kính 50m; 85 hộ dân sống trong phạm vi 50 - 100m; 25 hộ trong phạm vi 100 - 150m; 66 hộ trong phạm vi 150 - 200m (tính từ chân bãi thải).

 
Người dân xã Phúc Hà sống khổ dưới chân bãi thải của mỏ than Khánh Hòa - Ảnh: Lê Quân

Chị Nguyễn Thị Hương ở xóm 8 cho biết chị mất ăn mất ngủ vì mỏ nổ mìn rầm rầm, rung chuyển nhà cửa, nứt tường. Ngày nắng gió thì bụi mù mịt, phủ kín nhà cửa… Nước sinh hoạt thì ô nhiễm, không mấy người dám xài.

 
Chị Nguyễn Thị Hương ở xóm 3, xã Phúc Hà cho biết chị mất ăn ngủ vì lo bị bãi thải chôn vùi - Ảnh: Lê Quân

Theo chị, người dân xã Phúc Hà kiến nghị chính quyền và mỏ than lắp đặt đường ống nước sạch nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Nhưng, điều khiến người dân nơi đây lo sợ chính là sạt lở bãi thải giống bãi thải của mỏ Phấn Mễ ở huyện Đại Từ.

“Nhà tôi cách chân bãi thải chừng 20 - 30m, nhiều khi ô tô đổ thải, đá rơi rào rào vào vườn phía sau nhà. Nói dại, nhỡ nó đổ ụp xuống thì chạy đằng trời”, ông Nguyễn Văn Thanh (49 tuổi) nhà ở xóm 5 lo lắng.

Nhiều năm nay, người dân một số xóm của xã Phúc Hà quanh chân núi thải chưa dời đi được mà phải cam chịu. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Đức Nhất, Phó chủ tịch xã Phúc Hà là giá đền bù quá thấp. Điển hình là giá đền bù đất. “Năm ngoái, giá đền bù đất thổ cư là 350.000 đồng/m2. Trong khi đó, giá đất vườn thực tế đã khoảng 1 triệu đồng/m2. Giá rẻ nên người dân khó chấp nhận”.

Cách xóm 5 không xa, Trường mầm non xã Phúc Hà nằm ngay dưới chân núi “tử thần”. Từ ngày 18.4, Trường mầm non Phúc Hà phải sơ tán sang dạy và học nhờ tại Trường tiểu học Phúc Hà gần đó.


Trường mầm non xã Phúc Hà nằm sát chân bãi thải mỏ than Khánh Hòa vừa được di dời hôm 18.4 - Ảnh: Lê Quân

Trục đường giao thông chính của xã Phúc Hà cũng chỉ cách chân bãi thải vài mét, ngăn cách bởi bờ nhỏ hẹp, chỉ đủ sức chống đá lăn.

 


Chân bãi thải của mỏ than Khánh Hòa chỉ cách trục đường giao thông chính của xã Phúc Hà một bờ đất và vài bước chân - Ảnh: Lê Quân

Ông Đặng Xuân Lý, Phó giám đốc Công ty than Khánh Hòa, thừa nhận bãi thải của công ty không có vành đai an toàn; chiều cao của bãi thải đang là 190m, cao hơn thiết kế 40m nên năm 2011 đã bị phạt 40 triệu đồng.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.