Đội ngũ chuyên gia của Đại học Purdue, bang Indiana, vừa trình làng nguyên mẫu Spinnaker3, được trang bị hệ thống cột buồm dài 3m làm từ sợi carbon, cho phép tạo ra cánh buồm diện tích 18 m2 một khi được kích hoạt, theo trang Phys.org hôm 21.8.
Cánh buồm trên sẽ được phóng lên quỹ đạo trên tên lửa đẩy của công ty hàng không vũ trụ Firefly, trụ sở ở thành phố Austin, bang Texas, trong sứ mệnh được dự kiến vào tháng 11 từ căn cứ không quân Vandenberg của bang California.
Đây cũng là chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không vũ trụ tư nhân, trong nỗ lực dọn dẹp bớt quỹ đạo cận Trái đất nhờ vào sự hỗ trợ của các kỹ sư Đại học Purdue.
“Nếu chúng tôi không loại bớt vệ tinh chết hoặc các bộ phận khác của tên lửa đẩy đang trôi nổi khắp quỹ đạo thấp, các tàu hoặc những hệ thống vũ trụ khác sẽ vô phương sử dụng không gian trên quỹ đạo (cho các mục đích thám hiểm hoặc khác)”, theo trợ lý giáo sư David Spencer của Đại học Purdue
Độ cao mà các chuyên gia sẽ triển khai Spinnaker3 trong sứ mệnh thử nghiệm là vào khoảng 360 km, nhưng thiết bị này được thiết kế để loại bỏ rác vũ trụ từ 640 km trở lên.
|
Các tàu và phương tiện vũ trụ của Mỹ được yêu cầu rời khỏi quỹ đạo trong vòng 25 kể từ khi chấm dứt sứ mệnh, cánh buồm trên cho phép đẩy chúng khỏi quỹ đạo vào thời điểm hết nhiên liệu hoặc bị hư hỏng.
Được biết, công nghệ mới sẽ rút ngắn đáng kể thời gian rời quỹ đạo của các tàu và phương tiện vũ trụ, từ đó giải phóng không gian cận Trái đất.
Trong một ngày không xa, Spinnaker3 có thể được phối hợp với các công nghệ như tên lửa đẩy tái sử dụng của SpaceX, từ đó giảm chi phí cho các chuyến bay vào quỹ đạo.
Bình luận (0)