(TNO) Chiều nay 28.1, nhiều bạn thơ - văn tại TP.HCM bàng hoàng khi nghe hung tin: Trái tim của nhà thơ Trúc Chi (sinh năm 1930, tại An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã ngừng đập.
Nhà thơ Phan Hoàng (Báo Văn nghệ) vội vàng gọi điện thông báo mọi người kịp thời đến Nhà tang lễ TP.HCM để thăm viếng ông vì 3 giờ chiều mai 29.8 sẽ đưa nhà thơ đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa (TP.HCM). Phan Hoàng xúc động: "Nghe thương chú ấy quá, cả một đời vất vả làm việc và lo lắng cho mọi người vậy mà cuối cùng, bệnh tật cũng không buông tha…".
Được biết, nhà thơ Trúc Chi là cha ruột của nhà thơ Khánh Chi - người từng được xem là “thần đồng” thơ một thời. Ông nổi tiếng với các tác phẩm: Cánh chim biển (1967), Dư âm song (1980), Chú dế đàn (1980), Thành phố hoa mặt trời (trường ca, 1986), Miền sóng trắng tôi yêu (1987), truyện ngắn: Arú và con voi già (1987), Thị trấn đêm màu trắng (1989), Điều kỳ lạ trong vườn chim (1989), Câu chuyện từ lớp học này (1989), Con trai người săn cá mập (1997)...; truyện dài: Huyền thoại biển (2000); bút ký và phóng sự: Cuộc đời như một truyền thuyết (1992); Vị giám đốc hát rong (2001), Tiếng kêu con chim gõ kiến (1989); Dặm đường cát bụi (1997); tiểu luận phê bình: Ba mươi năm một nền thơ (1999).
Nhà thơ Trúc Chi (Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà văn TP.HCM), từng học viên khóa III Trường viết văn Nguyễn Du (1968 -1969). Sau 1975, ông về giảng dạy Văn tại Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM cho đến tuổi nghỉ hưu.
Trước đây, nhà thơ Trúc Chi và nhà báo Nguyễn Công Thắng ở Báo Thanh Niên đã từng có nhiều phóng sự điều tra nổi tiếng đăng trên Thanh Niên, sau này được tuyển chọn lại thành tập phóng sự Tiếng kêu của con chim gõ kiến gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, ngoài đời ông rất hiền hậu và dễ gần. Nói như nhà thơ Giang Nam: “Thơ và truyện của Trúc Chi chân chất, tình cảm như con người của anh”…
Vĩnh biệt ông, một nhà thơ đầy lòng thương yêu con người, cùng ngòi bút báo chí luôn dũng cảm, trung thực biết đấu tranh bảo vệ lẽ phải ở cuộc đời. Vĩnh biệt Cánh chim biển…
Bình luận (0)