Năm 1993, PGS-TS Nguyễn Thị Hòe nhận giải thưởng Kovalevxkaia vì những đóng góp và cống hiến cho khoa học. Năm 1995, sản phẩm sơn hợp tác khoa học kỹ thuật Việt - Mỹ ra đời và khẳng định được vị trí, sự tín nhiệm của khách hàng trên thị trường. Từ kết quả nghiên cứu về sơn trong phòng thí nghiệm, bà đã tạo lập nên doanh nghiệp sản xuất sơn mang tên Sơn Kova và nay là Tập đoàn Sơn Kova, rất nổi danh trong ngành sơn Việt Nam và bước đầu vươn ra thế giới.
Say mê công nghệ nano
Hơn 20 năm trước, khi đang là giảng viên của Trường đại học Bách khoa TP.HCM, bà một mình sang Mỹ để nghiên cứu về sơn. Bà được các đồng nghiệp ở Mỹ nhiệt tình giúp đỡ, không có gì gọi là bí mật công nghệ cả. Bà cho biết, có nhiều hôm ăn, ngủ luôn trong phòng thí nghiệm. Về nước, bà tiếp tục dạy ở Trường đại học Bách khoa TP.HCM và làm sơn. Thời gian đầu, bà không bán sơn bằng thùng mà bán bằng can. Khi nhận giải thưởng Kovalevxkaia, bà mới chính thức đặt tên sản phẩm là KOVA, nhưng cũng chưa biết in tên nhãn hiệu lên thùng sơn. Năm 2000, bà quyết định mở Công ty Sơn Kova TP.HCM, giao cho con gái làm giám đốc.
Say sưa nói về vật liệu nano, bà kể: “Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình học về cơ lượng tử, nghe đến nano là cái gì đó rất mơ hồ. Không ngờ sau 30 năm, những gì học được ngày đó giờ đã giúp mình tổng hợp được một loại vật liệu nano ứng dụng trong ngành sơn”. Trong 10 năm nghiên cứu về sơn nano, bà đã có 6 năm thành công trong phòng thí nghiệm và 4 năm thành công khi ứng dụng thực tế. “Giờ đây nghiên cứu đó đã cho ra thành phẩm, tôi dùng đèn khò 1.300 độ trong 4 giờ đồng hồ vào sơn mà không bị gì” - bà phấn khởi cho biết.
Tại một cuộc hội thảo được tổ chức ở Hà Nội gần đây về sơn nano, nhiều nhà khoa học ngành sơn đến từ 15 nước tham dự. Những cuộc hội thảo tương tự đã được tổ chức ở trong và ngoài nước, đặc biệt là tại Singapore và Mỹ. Và trong 2 năm trở lại đây, sơn nano do bà nghiên cứu đã có mặt trên thị trường trong nước và chinh phục được thị trường khó tính nhất châu Á là Singapore.
Nói về vật liệu nano, bà cho rằng nó thật kỳ diệu. Nếu mọi vật liệu trên thế giới này biến thành nano, thì sẽ không còn sự tranh giành, chém giết nhau nữa, không cần phải đào bới đất lên để khai thác bauxite, than đá... vì khi đó mọi người đã quá giàu có. Trong y học, người ta ứng dụng công nghệ nano để chữa bệnh ung thư, vật liệu nano có thể chui vào tế bào ung thư để tiêu diệt chúng. “Tôi nay đã già rồi, nhưng còn sức khỏe đến ngày nào thì còn tiếp tục nghiên cứu vật liệu nano đến ngày đó... Tôi rất mong các nhà khoa học cùng tôi tiếp tục nghiên cứu vật liệu này” - bà tâm sự.
|
Chăm lo phát triển nguồn nhân lực
Là một nhà khoa học nữ, mặc dù nặng gánh gia đình nhưng với niềm say mê nghiên cứu khoa học và nghị lực phấn đấu bền bỉ phi thường, bà đã thành công từ trong phòng thí nghiệm đến thành công trên thương trường. Điều mà bà luôn quan tâm trăn trở, đó là việc chăm lo phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng tài năng trẻ. Bà đã nung nấu ý tưởng thành lập một Quỹ giải thưởng mang tên KOVA để dành tặng cho những sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, trong đó tập trung cho sinh viên nữ và sinh viên dân tộc thiểu số. Tháng 11 vừa qua, Ủy ban giải thưởng KOVA đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và trao giải KOVA lần thứ 10.
Ra đời từ năm 2002 với sáng kiến của bà, Quỹ giải thưởng KOVA năm nay đã được trao cho 4 nhóm: Học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, có tư cách đạo đức tốt; Giải thưởng cho sinh viên đạt điểm xuất sắc, có tư cách đạo đức tốt, có đề tài nghiên cứu khoa học; Giải thưởng về tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội cho các tập thể và cá nhân; Giải thưởng về nghiên cứu khoa học dành cho những cá nhân và tập thể có đề tài, công trình nghiên cứu khoa học có tính sáng tạo, đã được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội.
Với 4 nhóm đối tượng nêu trên, trong quá trình xét trao giải, Ủy ban Giải thưởng luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các điển hình là nữ và dân tộc thiểu số, các địa bàn vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn. Tính đến nay tổng số kinh phí là 10 tỉ đồng đã được chi trao thưởng và công tác tổ chức phục vụ giải thưởng KOVA. Số tiền trên được trích từ quỹ phúc lợi của Tập đoàn Sơn KOVA và một phần kinh phí do các cá nhân, các tổ chức quốc tế tài trợ.
Thật cảm động khi chúng ta biết trong số sinh viên nhận học bổng và giải thưởng có 90 bạn hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: trong đó 40 bạn mồ côi cả cha và mẹ, không có nguồn thu nhập, 50 bạn mất bố hoặc mất mẹ, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng tất cả các sinh viên đó vẫn cố gắng vươn lên khắc phục mọi khó khăn, vượt lên chính mình để đạt kết quả tốt trong học tập.
Trong 10 năm qua, Ủy ban giải thưởng KOVA cũng đã trao giải thưởng cho trên 100 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng thành công trong cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.
Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh. |
Mai Vọng
Bình luận (0)