Cảnh chướng mắt thường ngày

16/05/2013 02:25 GMT+7

Từng có cụm từ vừa châm biếm vừa hài hước khái quát bản tính của người Việt: “ăn nhanh, đi chậm, hôn kín đáo, đái công khai”. Người nào đó sáng tác ra cụm từ này ắt phải có lý do. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng cụm từ ấy, nhất là chuyện tiểu tiện công khai chỉ ứng với một thiểu số người mà thôi, chứ không phải cho toàn thể người dân Việt Nam.

Bản tính nói trên hoàn toàn trái ngược với người phương Tây, bởi họ thường ăn uống khoan thai, di chuyển nhanh theo tác phong công nghiệp, hôn nhau công khai ngoài phố và giải quyết “bầu tâm sự” ở nơi kín đáo. Người Việt Nam nếu hôn nhau công khai ngoài phố đôi khi bị coi là nhố nhăng, là học đòi theo Tây, dẫu biết rằng chuyện ấy không có gì xấu cả. Do đó có nhiều cặp tình nhân phải kéo nhau vào… bụi rậm hoặc những nơi vắng vẻ để hôn. Vậy mà trớ trêu thay, có nhiều người lại “dũng cảm” đứng tè công khai nơi phố xá hoặc trên một cây cầu tấp nập xe cộ ngược xuôi thì quả là có vấn đề.

Chuyện tè bậy đôi khi dẫn đến những hậu quả khó lường, như chuyện sau đây chẳng hạn. Tối 23.2.2013, sau khi ăn cưới về, một nhóm bạn dừng lại tiểu tiện trước nhà ông Hồ Văn Lương ở bản 9, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nên đã xảy ra xích mích, cự cãi với chủ nhà. Không ai nhịn ai, một cuộc hỗn chiến nảy lửa với cuốc xẻng, gậy gộc đã diễn ra ngay sau đó với kết quả 1 người chết tại chỗ  và 4 người bị thương. Cơ quan chức năng ở Quảng Trị xếp vụ này vào loại “trọng án”. Hướng Hóa là một huyện miền núi đất rộng người thưa, vậy mà không hiểu sao lại rủ nhau “chỉa” vào nhà người ta tè bậy để biến thành bi kịch!

Từ một vụ tè bậy biến thành trọng án là điều chẳng ai ngờ, nhưng lại hợp lô gích trong bối cảnh đi đâu cũng thấy có người tiểu tiện bừa bãi như ở xứ ta. Ở xứ người, chuyện sử dụng nhà vệ sinh được xem là tối cần thiết, liên quan đến phẩm giá, danh dự của mỗi con người. Như ở châu u hoặc Bắc Mỹ chẳng hạn, bạn có thể tấp vào bất cứ tiệm cà phê, nhà hàng, shop thời trang, tiệm tạp hóa, cây xăng… để đi vệ sinh mà không hề gặp trở ngại nào từ phía chủ nhà. Tính nhân văn nằm ở chỗ đó, họ không muốn thấy bạn phải xấu hổ trước mắt mọi người khi không kịp đến nhà vệ sinh. Và ngược lại, họ sẽ xem là “kẻ tội đồ” nếu thấy bạn tè bậy giữa phố. Do đó, du khách nước ngoài đến Việt Nam rất ngạc nhiên khi thỉnh thoảng bắt gặp đâu đó dòng chữ “Cấm đái bậy”. Ở những nước văn minh không hề thấy dòng chữ này. Đất nước có bề dày mấy ngàn năm văn hiến không thể chấp nhận đây đó nơi công cộng có cụm từ phản cảm ấy.

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.