Sau ba lần diễn ra ở châu Âu, hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và 16 nước thuộc khu vực Đông và Trung Âu (CEE), còn được gọi là khuôn khổ diễn đàn 16+1, lần đầu tiên được tổ chức ở Bắc Kinh.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Latvia, bà Laimdota Straujuma bắt tay trong cuộc gặp của những người đứng đầu chính phủ Trung Quốc và các nước khu vực Đông và Trung Âu (CEE) - Ảnh: Reuters |
Ngoài mối quan hệ trực tiếp với EU và quan hệ song phương với từng thành viên của khối, đây là khuôn khổ quan hệ quan trọng nhất của Trung Quốc với đa số các thành viên của EU.
Khuôn khổ diễn đàn được thiết lập từ năm 2012 này giống như cánh cổng phụ cho Trung Quốc tiếp cận EU và cho 16 nước kia tiếp cận Trung Quốc. Tuy mới định hình nhưng kênh quan hệ này lại phát triển rất nhanh chóng và với hiệu quả thiết thực, hơn hẳn so với quan hệ chung giữa EU và Trung Quốc.
Trong khi quan hệ giữa Trung Quốc và EU nói chung bị cản trở phát triển bởi hành chính quan liêu ở cả hai phía, bởi quy trình pháp lý quá phức tạp trong EU và vấp phải không ít trở ngại, cầm chừng về chính trị thì khuôn khổ quan hệ 16+1 này lại phát triển khá suôn sẻ, làm vừa lòng cả hai phía.
Bởi thế, hai phía gặp nhau trong chủ trương “chung như cần thiết, riêng như có thể”, có nghĩa là chơi riêng với nhau theo khuôn khổ diễn đàn 16+1 này như có thể được và tham gia vào khuôn khổ hợp tác chung giữa EU và Trung Quốc chỉ ở mức độ cần phải tham gia.
Điều thú vị nữa có thể thấy ở phương diện gây dựng và sử dụng đối trọng. Khuôn khổ diễn đàn này giúp 16 đối tác kia và Trung Quốc có đối trọng đối với EU.
Cho dù ở đây tác động đối trọng đối với Trung Quốc lớn hơn đối với 16 nước kia thì các nước này vẫn có được con chủ bài chính trị đắc dụng.
Bình luận (0)