|
|
Diễn đàn lần này quan tâm thế nào tới các chính sách điện ảnh của VN, thưa ông?
Diễn đàn được tổ chức mỗi năm một lần, bắt đầu từ năm 2008, là dịp để các nhà quản lý, hoạch định chính sách điện ảnh đến từ nhiều quốc gia cùng nhìn lại những khó khăn hiện tại trong việc làm phim, sản xuất, hợp tác... Mỗi quốc gia có những chính sách khác nhau dành cho điện ảnh. Vì vậy, chúng tôi muốn cùng thảo luận, đưa ra các biện pháp hỗ trợ vượt qua khó khăn, phát triển nền điện ảnh châu Á, hay môi trường làm phim tại đây.
Mặc dù VN có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên ấn tượng nhưng vẫn chưa thực sự thu hút nhiều nhà làm phim trong khu vực và quốc tế
|
|
Năm nay, diễn đàn quan tâm đặc biệt đến việc hợp tác vùng, cũng như tìm cách thúc đẩy nền điện ảnh của các nước ASEAN, trong đó có VN. Chúng tôi muốn lắng nghe về những hoạt động, chính sách điện ảnh, cũng như những khó khăn của các bạn để cùng tháo gỡ. Chúng tôi mong sẽ tìm ra những biện pháp, chính sách mới để hỗ trợ phát triển môi trường làm phim và giao lưu văn hóa.
Ông nhận thấy những thách thức nào đang đặt ra cho điện ảnh VN?
Hiện nay, các chính sách, quan điểm làm phim tại VN đã có nhiều thay đổi, chẳng hạn như chế độ kiểm duyệt. Các nhà làm phim có nhiều tự do trong tư duy, sáng tạo. Nhiều đạo diễn đã mang tới diện mạo mới, tạo được những khác biệt đáng chú ý cho điện ảnh VN. Tôi rất ấn tượng với bộ phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng, Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Tuy nhiên, một trong những điểm hạn chế cụ thể là, mặc dù VN có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên ấn tượng nhưng vẫn chưa thực sự thu hút nhiều nhà làm phim trong khu vực và quốc tế. Đó là một trong những việc cần phải được hỗ trợ.
Khi trở thành thành viên của AFCNet, VN sẽ phải có nghĩa vụ ra sao, đồng thời những cơ hội nào sẽ mở ra?
AFCNet có 44 tổ chức, đến từ 16 nước thành viên (Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore...), là mạng lưới không yêu cầu bất cứ nghĩa vụ nào với các thành viên. VN và các tổ chức thành viên thuộc nhiều quốc gia khác sẽ cùng kết nối, hợp tác trong việc sản xuất, quay phim, phát hành... Bên cạnh đó, chúng tôi còn quan tâm tới việc hỗ trợ cho các nhà làm phim độc lập.
Những kế hoạch AFCNet sẽ hỗ trợ cho VN trong thời gian tới ra sao?
Khoảng tháng 11, hoặc tháng 12 tới, chúng tôi sẽ sang VN hoàn thành nốt các công việc để kết nạp các bạn vào mạng lưới. Những cuốn sách về hoạt động của AFCNet sẽ được chuyển tới các đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch..., để họ có thể biết cách tìm sự hỗ trợ cần thiết. Đây cũng là cơ hội tốt cho các nhà làm phim độc lập. Cuối cùng, chúng tôi đang tập trung nguồn kinh phí hỗ trợ cho các thành viên.
Nhiều cơ hội cho phim Việt “xuất ngoại” Theo ông Đỗ Duy Anh - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Điện ảnh, việc gia nhập AFCNet sẽ mở ra cho VN nhiều cơ hội hợp tác với quốc tế. Việc phát hành, quảng bá phim tại nước ngoài sẽ thuận lợi, dễ dàng. Quốc tế sẽ biết tới điện ảnh VN nhiều hơn. Tất nhiên, đó cũng là cơ hội cho môi trường làm phim tại VN thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Hiện nay, dịch vụ làm phim cho nước ngoài tại VN đã được chú ý, mỗi năm có khoảng 15-20 bộ phim thực hiện cảnh quay tại VN, chủ yếu là phim ngắn do các nhà làm phim đến từ Mỹ, Đức, Nhật... Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của chúng ta. Trong khi đó, việc quảng bá hình ảnh đất nước qua các bộ phim có thể mang lại lợi ích kinh tế rất lớn. |
Minh Ngọc (thực hiện)
Bình luận (0)