Canh dâu nấu hến sông quê mát mẻ ngày hè oi bức

01/05/2020 21:16 GMT+7

Canh dâu nấu hến sông có thể nấu quanh năm vì cây dâu tằm bốn mùa tươi tốt, song ngon nhất vào những ngày hạ oi bức.

Quảng Nam, từ xưa vốn nổi tiếng là một vùng đất trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Dọc theo những bãi bồi sông Thu Bồn, từ trên thượng nguồn Nông Sơn, Đại Lộc đến vùng hạ lưu Duy Xuyên, Điện Bàn, đâu đâu cũng bạt ngàn một màu dâu xanh.
Ở Quảng Nam có bài ca dao khắc họa nghề trồng dâu nuôi tằm:
“Nương dâu xanh thắm quê mình
Nắng lên Gò Nổi, đượm tình thiết tha
Con tằm dệt kén cho ta
Tháng năm cần mẫn làm ra lụa đời”
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nghề trồng dâu dần mai một. Thời gian gần đây, trải qua bao thăng trầm, nhiều gia đình đã quay trở lại với nghề truyền thống ngay trên mảnh vườn nhà hoặc bãi bồi ven sông Thu Bồn.
Cây dâu ngoài việc trồng lấy lá để nuôi tằm còn được người dân hái để chế biến nhiều món ngon. Lá để nấu phải là những chiếc lá non mềm mướt, không bị sâu phá. Khi hái về, lá dâu vò sơ qua để khi chín sẽ mềm, bùi hơn và tăng thêm hương vị, sau đó rửa sạch, để ráo. Nếu có được đọt dâu thì không gì bằng. Dùng móng tay cái và trỏ để “bấm” đọt, không nên vừa bấm vừa kéo khi đọt dâu chưa đứt.
Để đọt dâu đọng nhiều vị ngọt hơn, nên đi hái lúc mặt trời chưa lên. Đọt dâu hay lá dâu non sau khi rửa sạch thường mang đi luộc. Nước sôi cho ít muối hạt vào nồi rồi cho dâu ngập trong nước, dùng đũa trở qua trở lại một vài lượt để chín xanh đều, sau đó vớt ra rổ. Đợi khi đọt dâu nguội thì tiếp tục vắt ráo nước, sau đó lại gỡ ra cho tơi và xếp lên đĩa chấm cùng nước mắm chua cay. Muốn đậm vị, có thể xào lá dâu đã luộc với tỏi hoặc con tôm, con tép là thơm lừng.
Đặc biệt, lá dâu mà nấu hến sông thì ngon không gì bằng, còn được gọi là “món ngon bài thuốc”. Theo kinh nghiệm dân gian, ruột hến tính lạnh, không độc; có tác dụng nhuận tràng, thông phế, mát gan, bổ thận, trị lở, thông tiểu, hạ áp, an thần. Lá dâu vị đắng, ngọt, tính hàn có tác dụng tán phong, thanh huyết, trợ tim... Cả hến và lá dâu đều có hàm lượng đạm cao, nhiều a xít amin cùng các nguyên tố vi lượng như vitamin C, kẽm, magiê... Chỉ cần một tuần hai, ba lần thưởng thức bát canh lá dâu nấu hến sẽ giúp cơ thể thanh mát, dễ ngủ, chống hoa mắt chóng mặt...
Thật ra cách chế biến món canh lá dâu nấu hến rất đơn giản. Hến đã luộc, tách phần thịt để riêng nước. Xào ruột hến, đổ nước hến vào nấu sôi vài dạo, thêm lá dâu đã cắt nhỏ rồi nhanh tay tắt bếp (nếu là đọt dâu thì để nguyên đọt mà nấu).
Canh dâu nấu hến sông có thể nấu quanh năm vì cây dâu tằm bốn mùa tươi tốt, song ngon nhất vào những ngày hạ oi bức. Đấy là thời điểm cỏ cây khô cằn, rau xanh khó mọc, khan hiếm, đúng lúc nước sông cạn dần, hến đội bùn cát ngoi lên, con nào con nấy thịt đầy, béo ngậy. Trong những ngày này, chỉ cần thưởng thức món canh dâu nấu hến sẽ cảm nhận được vị ngọt dịu, bùi bùi đã thấy tê tái nơi đầu lưỡi và mát ruột, mát gan rồi.
Mấy hôm nay, trời xứ Quảng trở nên nắng gắt, đã bắt đầu thấy bóng ai thấp thoáng nghiêng vành nón lá hái đọt dâu non. Và mùi hương vị ngọt canh dâu lại thoảng đưa trong chái bếp nơi xóm nhỏ quê nhà…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.