Trong buổi họp báo về giải thưởng Cánh diều 2017 diễn ra hôm qua 5.4 tại Hà Nội, đạo diễn - NSND Lê Hồng Chương, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh VN, nhấn mạnh 3 điểm mới của giải thưởng lần này. Phim Việt hóa kịch bản nước ngoài (remake) mặc dù không được xét trao giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và bằng khen, nhưng vẫn được xét các giải thưởng dành cho cá nhân. Ngoài ra, Cánh diều sẽ có thêm giải thưởng dành cho quay phim của thể loại phim tài liệu, khoa học và cho họa sĩ chính của thể loại phim hoạt hình.
Dỗ dành đạo diễn dự giải
Hạng mục được chú ý nhất của giải Cánh diều - phim truyện điện ảnh có 13 phim tham dự, con số chỉ xấp xỉ 1/3 so với tổng số 38 phim Việt được sản xuất trong năm 2017. Mặc dù vậy, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh VN, cho biết số lượng 13 phim đã là nhiều hơn với so với những mùa giải trước (chỉ khoảng 8 - 9 phim).
“Chúng tôi gửi giấy mời đến các cơ sở sản xuất phim trong cả nước, cả hãng phim tư nhân lẫn nhà nước. Thậm chí, tôi còn phải gọi điện đến một số đạo diễn dỗ dành, nhưng các anh ấy bảo phim của chúng em chỉ để chiếu rạp thu hồi vốn. Có khi người ta chỉ dự thi khi tự tin phim của mình được giải này hay giải khác”, bà Ngát cho hay.
Ban giám khảo Cánh diều 2017 hầu hết đều là những gương mặt cũ và lớn tuổi (trưởng ban giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh: đạo diễn Vũ Xuân Hưng; phim truyền hình: nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã; phim tài liệu khoa học: đạo diễn Nguyễn Lương Đức; phim hoạt hình: đạo diễn Nguyễn Phương Hoa; phim ngắn: đạo diễn Nguyễn Thanh Vân; công trình nghiên cứu lý luận phê bình: PGS-TS Trần Luân Kim). Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thành thật chia sẻ: “Các bác lớn tuổi có thời gian để chấm, các bạn trẻ hầu như rất bận, đi làm phim. Họ và những tác giả dự thi cùng là những người đang sáng tác nên có nhiều lý do không tham gia”. Bà Ngát nói thêm, việc mời ban giám khảo thật ra cũng không dễ gì: “Chủ tịch hội đã phải gọi điện cho từng người dỗ mãi mới được từng này thành viên. Trước đây, ai được vào ban giám khảo là vinh dự, giờ người ta không mặn mà lắm”.
Tiếp tục hay dừng lại ?
Giải thưởng Cánh diều được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003. Trong nhiều năm trở lại đây, giải thưởng này gây ra nhiều tranh cãi về kết quả cũng như luôn dính “sạn” trong việc tổ chức trao giải. Mới năm trước, đạo diễn Lương Đình Dũng bất ngờ trả lại bằng khen Cánh diều dành cho bộ phim Cha cõng con của anh. Trong bức tâm thư liên quan đến việc trả lại giải thưởng, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ:
“Tôi cần một sự công bằng cho bộ phim và cho những tác phẩm tử tế để phát triển điện ảnh VN”.
Ông Châu Quang Phước, chuyên gia truyền thông phim, cho rằng hiện nay các nhà làm phim có nhiều mối bận tâm và họ có nhiều cơ hội gửi tác phẩm tham dự liên hoan phim ở nước ngoài thay vì như trước chỉ mong chờ vào giải thưởng trong nước. “Một giải thưởng cần có giá trị kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp. Chẳng hạn, tác phẩm sau khi được giải Goncourt có thể trở thành “bestseller” (cuốn sách bán chạy). Đó là sự bảo chứng của giải thưởng với công chúng. Còn giải thưởng theo kiểu vô thưởng vô phạt, thì sau khi đoạt giải cũng chả có điều gì khác cả”, ông Phước lý giải.
Đạo diễn Hà Sơn nhận định, khi nhiều nhà làm phim đã không còn tha thiết với một giải thưởng thì giải thưởng đó hẳn là có vấn đề. Nhà nước cấp kinh phí để Hội Điện ảnh VN tổ chức Cánh diều mỗi năm. Theo thông tin từ Hội Điện ảnh VN, kinh phí của nhà nước rất ít ỏi, nên hội cũng phải kêu gọi thêm từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, theo đạo diễn Hà Sơn, cần xem xét lại việc có nên tồn tại Cánh diều hay không khi giải thưởng không thực sự có nhiều tác động đến nền điện ảnh. “Không phải có sẵn tiền nhà nước thì năm nào cũng phải cố làm một cái giải thưởng”, đạo diễn bày tỏ.
117 phim đăng ký dự giải Cánh diều 2017, trong đó có 13 phim truyện điện ảnh, 16 phim truyện truyền hình, 13 phim hoạt hình, 34 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 32 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.
13 phim truyện điện ảnh gồm: Bạn gái tôi là sếp (đạo diễn: Hàm Trần), Giấc mơ Mỹ (Hồng Ngân), Em chưa 18 (Lê Thanh Sơn), Mẹ chồng (Lý Minh Thắng), Cô gái đến từ hôm qua (Phan Gia Nhật Linh), Ở đây có nắng (Đỗ Nam), Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (Mai Thế Hiệp, Trâm Nguyễn, Bình Nguyên), Sắc đẹp ngàn cân (Ngô Tài Văn), Ngày mai Mai cưới (Tấn Phước), Đảo của dân ngụ cư (Hồng Ánh), Cô Ba Sài Gòn (Lộc Trần - Kay Nguyễn), Yêu đi đừng sợ (Stephane Gauger), Dạ cổ hoài lang (Nguyễn Quang Dũng).
Lễ trao giải diễn ra lúc 19 giờ 30 ngày 15.4 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).
|
Bình luận (0)