Cảnh giác chiêu trò ‘nạp thẻ cào trên web’

22/11/2015 13:30 GMT+7

Hiện trên internet xuất hiện nhiều trang web với lời mời gọi “khách hàng nạp thẻ cào vào trang web này sẽ được nhân đôi tài khoản”. Đây thực chất là hình thức lừa đảo; nhiều người đã trở thành “con mồi”.

Hiện trên internet xuất hiện nhiều trang web với lời mời gọi “khách hàng nạp thẻ cào vào trang web này sẽ được nhân đôi tài khoản”. Đây thực chất là hình thức lừa đảo; nhiều người đã trở thành “con mồi”.

Các thẻ cào mà ông Th. đã mua cho Tư - Ảnh: Ngọc LêCác thẻ cào mà ông Th. đã mua cho Tư - Ảnh: Ngọc Lê
Mới đây, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) cho biết Lê Văn Tư (18 tuổi, ngụ thị trấn Ái Tử, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã bị khởi tố vì hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Hiện vụ việc đã được C50 bàn giao cho Công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của những đối tượng liên quan.
Tư khai nhận vào khoảng tháng 11.2014, khi đang chơi game tại quán internet ở Quảng Trị thấy nhiều người trong quán đang “hack card” qua Facebook. Tư đã tìm hiểu trên mạng và học “hack card”. Tư khai, “hack card” là phải chiếm đoạt được tài khoản Facebook của người khác sau đó giả danh để lừa người thân của người đó đề nghị mua giúp thẻ điện thoại các loại.
Từ 11.2014 đến 1.2015, Tư đã lừa đảo nhiều người nhưng Tư không nhớ rõ số lượng cụ thể, chỉ biết chiếm đoạt số tiền trung bình khoảng 2 triệu đồng/người. Tư đã dùng số tiền lừa đảo được để chơi game, dùng ma túy tổng hợp, đánh số đề.
Sau khi lừa ông B.Q.Th. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mua 716 triệu đồng tiền card, khoảng tháng 5.2015, do hết tiền chơi ma túy tổng hợp Tư quay lại trò chuyện với ông Th. nhờ mua 50 triệu đồng tiền thẻ cào. Nhưng lúc này, qua công tác nắm tình hình, C50 phát hiện nên khuyến cáo ông Th. không tiếp tục chuyển tiền cho Tư nữa.
Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an thể hiện, hơn 1.500 thẻ cào điện thoại nói trên Tư nạp vào các tài khoản (ví điện tử) của Tư đã đăng ký tại các trang web điện tử như baokim.vn, nganluong.vn, thecaosieure.com, pay.gate.vn để chuyển thành giá trị “bạc” nạp vào 10 tài khoản cấp 1. Sau đó giá trị “bạc” từ các tài khoản này được chuyển cho 3 tài khoản cấp 2. Từ 3 tài khoản này tiếp tục chuyển vào 5 tài khoản cấp 3 rồi mới thực hiện giao dịch mua bán để quy đổi “bạc” thành tiền mặt và rút ra tài khoản ngân hàng.
Các điều tra viên cũng xác định Tư không trực tiếp buôn bán số thẻ cào nói trên mà thông qua những người trung gian, trong đó có một số người là chủ cửa hàng chuyên bán simcard tại các tỉnh. Sau đó, người trung gian này mua card của Tư rồi bán cho người có nhu cầu từ Bắc vào Nam. Ngoài ra, Tư còn nhờ những người bạn trong xóm bán giùm các thẻ cào này với giá rẻ bằng 80% thị trường và chia phần trăm cho người bán được. Người trung gian sẽ trả tiền cho Tư qua các tài khoản ngân hàng. Tổng cộng Tư đã nhận hơn 400 triệu đồng tiền do lừa đảo mà có được.
Hack tài khoản Facebook
Qua vụ việc lừa đảo có giá trị lớn này, trao đổi với Thanh Niên Onliene, một lãnh đạo của C50 cho biết, tình trạng lừa đảo thông qua mạng internet, đặc biệt là thông qua mạng xã hội Facebook vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng các kỹ thuật chiếm đoạt tài khoản Facebook sau đó mạo danh chủ tài khoản dụ dỗ người thân, bạn bè chủ tài khoản để chiếm đoạt tài sản dưới dạng thẻ cào điện thoại.
Lê Văn Tư, bị can đã dùng thủ đoạn hack Facebook để chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng - Ảnh: Ngọc Lê
Trước đây số tiền thiệt hại của từng vụ chỉ vài chục triệu nên nhiều bị hại không tố cáo với công an nhưng gần đây, có những vụ án lên đến 1 tỉ đồng; số bị hại xảy ra ở khắp các địa bàn trong cả nước.
Vị lãnh đạo C50 khuyến cáo, cá nhân sử dụng Facebook không nên bấm vào link qua cửa sổ chat vì tất cả thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản đó được chuyển về hộp thư điện tử của đối tượng. Từ đó, đối tượng sử dụng thông tin để đăng nhập và đổi ngay mật khẩu truy cập của các tài khoản Facebook này để chiếm đoạt rồi giả mạo người có tài khoản bị chiếm đoạt. Sau đó, đối tượng thông báo nội dung người này đang gặp phải khó khăn nào đó và đề nghị người thân, bạn bè trợ giúp bằng việc gửi một số tiền vào một tài khoản nhất định hoặc nhờ mua và nhắn tin lại mã nạp tiền điện thoại.
Thông thường các đối tượng này thường chiếm đoạt thư điện tử, tài khoản mạng xã hội của người Việt Nam đang sống hoặc làm việc ở nước ngoài, rồi chat với người thân của họ ở Việt Nam và lợi dụng lòng tin của những người này yêu cầu mua thẻ điện thoại.
Đối tượng cũng đánh vào lòng tham của bị hại và nói rằng ở nước ngoài thẻ cào điện thoại mệnh giá 100.000 đồng sẽ bán được với giá từ 15 USD đến 20 USD và hứa tiền bán được thẻ cào điện thoại sẽ chia đôi. Từ đây, bị hại sẵn sàng mua hàng trăm triệu đồng tiền card cho đối tượng.
Lãnh đạo C50 cho biết thêm, hiện nay còn xuất hiện thêm thủ đoạn mới để lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào đó là đối tượng lập ra trang web với nội dung “khách hàng nạp thẻ cào vào trang web này sẽ được nhân đôi tài khoản”. Các đối tượng đã gửi trang web này đến người dùng Facebook. Do tin tưởng nên nhiều cá nhân đã mua thẻ cào điện thoại sau đó nạp vào trang web do đối tượng lập và bị chiếm đoạt toàn bộ các thông tin thẻ nạp này. Lãnh đạo của C50 khuyên không nên tin vào những trang không có uy tín để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Bất cứ hành vi lừa đảo trên mạng đều phải chịu trách nhiệm của pháp luật”, vị lãnh đạo này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.