TNO

Cảnh giác hội chứng sợ hãi khi thiếu điện thoại di động

26/02/2015 08:40 GMT+7

(iHay) Nomophobia (no-mobile-phone phobia) là thuật ngữ chỉ hội chứng tâm lý lo sợ khi không có điện thoại.

(iHay) Smartphone ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân toàn cầu. Song, nó cũng gây ra một số hệ quả tiêu cực như gây ảo giác, làm 'mòn' khả năng định vị phương hướng hay gây ra hội chứng thường gặp nhất: nomophobia.

>> Smartphone và máy tính bảng có nhiều vi khuẩn hơn cả... bồn cầu 

 

Nomophobia là gì?

Nomophobia là thuật ngữ chỉ hội chứng tâm lý lo sợ khi không có điện thoại, viết tắt từ cụm từ "no-mobile-phone phobia" được đưa ra lần đầu trong một nghiên cứu của Bưu điện Anh vào năm 2010.

Ở thời điểm năm 2010, nghiên cứu trên cho biết có 53% người Anh được khảo sát cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi họ làm mất điện thoại, điện thoại hết pin, hết tiền hay mất sóng. Mức độ lo lắng của họ tương đương với việc họ đang sắp trải qua một buổi khám răng hay ở trong “nỗi hốt hoảng trước ngày cưới”.

Đàn ông Anh mắc chứng “nomophobia” nhiều hơn phụ nữ với 58% người trải qua các cảm giác lo âu khi không kè kè bên người chiếc điện thoại di động.

Tháng 7.2014, nghiên cứu công bố trên tờ Business Insider tiếp tục cho thấy mức độ phổ biến của hội chứng này khi có 63% người Mỹ trả lời rằng họ thấy lo âu và bồn chồn khi rời nhà mà không mang điện thoại.

Mặc khác, theo nghiên cứu công bố bởi hãng AT&T và Trung tâm nghiện internet và công nghệ Mỹ công bố trên tờ Washington Times, trung bình mỗi người Mỹ kiểm tra smartphone của mình 150 lần/ngày và dành ra 4,7 giờ/ngày để sử dụng smartphone cho các việc như trò chuyện, nhắn tin, giao tiếp xã hội, làm việc…

Đáng e ngại hơn, cứ 5 người được khảo sát thì lại có 1 người chấp nhận đi chân trần ra đường thay vì không được dùng điện thoại trong một tuần. Thêm vào đó, có đến 64% người trong độ tuổi từ 18 đến 29 được khảo sát thừa nhận đi ngủ với chiếc smartphone hoặc máy tính bản kè kè bên người, theo tờ The Huffington Post.

Tác hại của “nomophobia”

 

Kết nối internet tốt và tính di động cao làm cho smartphone dễ gây nghiện hơn so với các thiết bị khác. Tiến sĩ David Greenfield tại Đại học Y khoa Connecticut cho hay chứng “nomophobia” chỉ là một nhánh nhỏ trong một hội chứng lớn hơn: nghiện internet.

Nghiện internet có thể để lại nhiều hậu quả tiêu cực lên đời sống và sức khoẻ con người như: khiến thể trạng mệt mỏi thường xuyên, tâm trạng dễ thay đổi, dễ nổi giận hay tranh cãi, tăng mật độ lời nói dối, tách rời xã hội…

Thêm vào đó, Tiến sĩ Greenfield cũng nói rằng người mắc chứng “nomophobia” cũng thường là những người muốn liên tục nhận được những lượt thích trên hình ảnh hoặc trạng thái được cập nhật trên các trang mạng xã hội của họ như Facebook, Twitter hay Instagram... Họ thoả mãn với những giá trị ảo và liên tục cầm điện thoại để kiểm tra chúng.

Còn theo hai nhà nghiên cứu Nicola Luigi Bragazzi và Giovanni Del Puente tại Đại học Genoa, chứng “nomophobia” cần được nghiên cứu và phân tích thêm trước khi đưa ra các kết quả về các tác hại sâu hơn của nó lên sức khoẻ con người.

Các cách miễn nhiễm với nomophobia

Facebook Messenger, Viber, Zalo, Instagram, Twitter, các ứng dụng trò chơi hay tiện ích… có quá nhiều lý do để mỗi người liên tục “dán mắt” vào smartphone 24/7. Thức dậy là với tay lấy chiếc smartphone đầu tiên. Mỗi ngày, nhìn vào màn hình điện thoại nhiều hơn số lần trò chuyện với bạn bè của mình.

Tuy vậy, vẫn luôn có sẵn nhiều cách để mọi người có thể hạn chế hay hoàn toàn miễn nhiễm với chứng “nomophobia”.

Theo trang Business Insider, ở Mỹ, có hẳn một chương trình cai nghiện thiết bị kỹ thuật số gọi là Camp Grounded. Người tham gia hội trại bị cấm dùng các thiết bị điện tử trong lúc tham gia các hoạt động như hát múa, ngồi thiền, tham dự hội thảo… Tại Trung Quốc, các thiếu niên nghiện smartphone thường được cha mẹ đăng ký cho tham gia một hội trại mang phong cách huấn luyện quân sự, để giảm bớt phần nào hội chứng “nomophobia” mà họ mắc phải.

Song, không phải lúc nào việc chữa hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại cũng khó khăn như vậy. Tờ The Huffington PostBusiness Insider đưa ra khá nhiều biện pháp đơn giản hơn để cắt cơn nghiện smartphone của một người mắc chứng “nomophobia”:

- Giới hạn thời gian sử dụng công nghệ trong ngày.

- Hoàn toàn không nhắn tin khi đang lái xe

- Cân bằng giữa thời gian nhìn vào màn hình và thời gian tiếp xúc với người khác. Nếu ra ngoài cùng bạn bè, chắc chắn rằng cả nhóm không dùng điện thoại. Nếu đang có một cuộc hẹn hò, hai người nên thoả thuận rằng trong khoảng 90 phút gặp gỡ, cả hai sẽ không dùng quá 5 phút để kiểm tra điện thoại.

- Đặt điện thoại cách xa ít nhất 5m trước khi đi ngủ. Việc này sẽ bảo vệ sức khỏe người dùng đồng thời tăng hiệu quả của chức năng “báo thức” vào mỗi buổi sáng.

- Mỗi tháng nên dành ra một ngày sống không có công nghệ để cảm thấy được con người được giải phóng.

Thu Thảo
Ảnh minh họa: Shutterstock

>> Mở khóa smartphone bằng hình xăm
>> Tuyệt kỹ dùng smartphone 'đoán trước tương lai
>> Mặc áo mới cho smartphone

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.