Được nghỉ ngày chủ nhật, chị Nguyễn Tuyết Lan (sống tại phường Ngọc Thụy, quận Gia Lâm, Hà Nội) mang chiếc xe Wave đi sửa tại một trung tâm bảo dưỡng lớn trên đường Trần Quang Khải. Chẳng là chiếc xe của chị Lan khi vào số, tăng ga thường hay phát ra những âm thanh rất khó chịu.
Khi chị Lan trình bày "bệnh" của xe, một nhân viên đứng tuổi - có vẻ là kíp trưởng, chỉ ngó nghiêng phía trong chiếc hộp xích rồi nhăn mặt "bắt bệnh, kê đơn": "Xích của chị chạy rão quá rồi. Tăng hết nấc mà vẫn chùng, đi cọ hết cả vào hộp xích. May mà chị đưa đi sửa kịp thời, không chỉ đi vài bữa nữa là phải thêm tiền thay cái hộp xích mới". Theo đó, xe của chị Lan phải thay mới cả bộ nhông, xích, đĩa... Tuy nhiên, mới cách đó một tháng, chồng chị đã đưa xe đi bảo dưỡng, thay mới một số phụ tùng, trong đó có cả bộ nhông, xích, đĩa !
Còn Trần Tuấn Huy, sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khi phát hiện hai đầu thụt trước của chiếc Viva bỗng dưng có hiện tượng nhớt chảy, liền mang xe tới một "Head" lớn trên đường Bưởi.
Tại đây, người quản lý về kỹ thuật chỉ liếc qua, dùng tay nhấn nhấn vài cái xuống ghi đông xe đã biết được "bệnh" của xe: "Ti, thụt trước xe cháu bị chết rồi, do vậy muốn dầu không tràn ra ngoài, chỉ còn nước thay toàn bộ ti thụt. Giá một bộ Thái xịn là 400.000 đồng".
Nghe vậy nhưng Huy vẫn cảnh giác (do không thấy người này tháo thụt ra để kiểm tra), liền thoái thác mang xe về hiệu sửa xe nhỏ gần nhà. Anh thợ tỉ mẩn tháo đôi thụt trước, lấy giẻ lau sạch phần dầu loang, nheo mắt, nói tỉnh bơ: "May cho chú, hôm nay mà không tỉnh là đi tong 400.000 đồng. Có gì đâu, nhớt chảy ra ngoài thụt là bộ phớt chặn dầu dây mayso ở giảm sóc không còn độ đàn hồi, do vậy mà hỏng - thay mới mất 35.000 đồng".
Đó chỉ là một vài trường hợp "thượng đế" bị "móc ví" khi đem xe tới các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, đại lý các hãng xe. Chính, một thợ có tay nghề cứng (quê Vĩnh Phúc, trọ tại Mỹ Đình), theo sửa chữa cho một chủ sửa xe nổi tiếng đất Hà Nội trên đường Đê La Thành từ những năm 2002 bật mí: "Phương châm của các đại lý, trung tâm, cửa hàng lớn bây giờ là thay mới nhiều hơn sửa. Do vậy mà thợ rất "ngại" sửa. Đồ hơi cũ, hay gặp vấn đề một chút là thay mới ngay". Trước năm 2002, Chính từng là nhân viên sửa chữa của một trung tâm bảo dưỡng trên đường Thái Hà (đoạn gần ngã tư Tây Sơn, Thái Hà).
Giờ không còn theo nghề sửa chữa xe máy, nhưng Tùng - từng đầu quân cho một trung tâm bảo dưỡng lớn ngay ngã tư đầu Cầu Giấy, khẳng định: "Bây giờ được quan tâm, chăm sóc hơn cả là những xe ga SH, PS, LX... Và những loại xe này rất hay chết đường nạp, nổ. Thay mới bộ nạp "gin" là 700.000đ, nhưng không đời nào khách có bộ nạp nguyên tem, mà thay vào đó là một bộ nạp đã cũ được người quản lý, chủ mua từ nhiều nguồn khác nhau, về sửa và mông má như mới. Giá mua mới một bộ nạp như vậy vào khoảng 250.000 - 300.000 đồng".
Nhưng xem ra cái cách moi ví "thượng đế" mà Chính tiết lộ sau đây còn tinh vi hơn nhiều: bắt được bệnh thường gặp ở dòng xe ga đắt tiền là hỏng turbo, nên một số trung tâm, cửa hàng tư lớn thuê hẳn thợ Sài Gòn ra chuyên việc sửa, làm mới chế turbo. Giá chế turbo mới trên thị trường là 4 triệu đồng nhưng cũng rất hiếm hàng. Vậy mà qua đôi tay các thợ Sài Gòn, chế turbo cũ, hàng trôi dạt (có giá mua vào trên dưới 1 triệu đồng) bỗng chốc lại mới nguyên tem.
Lời khuyên của các tay thợ có lương tâm: khách hàng hãy tìm những cửa hàng không nhất thiết phải lớn, tốt nhất là người chủ đã từng là thợ sửa xe giỏi, nay đứng ra trực tiếp quản lý... Hoặc nếu có ý định sửa chữa ở trung tâm lớn thì nên đi hỏi giá sửa chữa, phụ tùng thay thế trước khi xe được "mổ"; cất giữ và ghi lại chi tiết thời gian sửa chữa, thay thế phụ tùng... cho xe để đem đối chiếu cho những lần sau.
Bài, ảnh: Minh Sang
Bình luận (0)