Giá bán của những chiếc cáp USB-C này thường phụ thuộc vào chiều dài, chất lượng sản xuất, sự tuân thủ các tiêu chuẩn USB-C và thương hiệu. Mặc dù USB-C được coi là kết nối linh hoạt nhất cho các thiết bị kỹ thuật số, nhưng sự phức tạp của tiêu chuẩn này có thể gây nhầm lẫn cho người dùng.
Mục tiêu của USB-C là đơn giản hóa việc sử dụng cáp cho dữ liệu, âm thanh, video và cung cấp điện. Tuy nhiên, không phải tất cả cáp đều có thông số kỹ thuật giống nhau và bao bì thường không rõ ràng về khả năng của chúng. Đặc biệt, một số cáp USB-C có thể ẩn chứa mạch điện độc hại gây nguy hiểm cho tính bảo mật của thiết bị.
Bên trong những chiếc cáp USB-C tưởng như vô hại
Dù nhìn bề ngoài có vẻ giống nhau nhưng một số cáp USB-C lại có thiết kế bên trong phức tạp hơn nhiều. Ví dụ, cáp USB-C Thunderbolt 4 giá 129 USD của Apple có cấu trúc phức tạp hơn so với cáp Amazon Basics giá 11,69 USD.
Gần đây, hãng nghiên cứu bảo mật Lumafield đã phát hiện cáp USB-C O.MG, một sản phẩm được thiết kế cho mục đích nghiên cứu bảo mật, có thể chứa phần cứng độc hại mà người dùng không thể nhận biết. Nhà nghiên cứu John Bruner của Lumafield cho biết cáp O.MG có thiết kế thông minh giúp dễ dàng qua mặt các phương pháp kiểm tra tiêu chuẩn, khiến việc phát hiện ra các mạch điện ẩn trở nên khó khăn hơn. Chúng có thể chứa phần cứng có khả năng ghi lại dữ liệu cá nhân hoặc cài mã độc vào thiết bị của người dùng.
Bruner nhấn mạnh rằng quét CT đang trở thành công cụ quan trọng trong việc xác minh tính toàn vẹn của phần cứng trong quá trình sản xuất nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công chuỗi cung ứng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Người tiêu dùng được khuyến cáo nên sử dụng cáp USB-C được chứng nhận và hạn chế sử dụng các cổng sạc USB công cộng khi có thể.
Bình luận (0)