Trong các bị hại trình báo, có bà L.H.T.T. mất trắng gần 1,5 tỉ đồng, bà N.T.V.A. bị chiếm đoạt 60.610 USD (khoảng hơn 1,4 tỉ đồng), chị T.T.K.H. bị lừa gần 6 tỉ đồng…
Theo trình báo, các nạn nhân bị đối tượng lừa đảo kết bạn qua ứng dụng hẹn hò Tinder, tự xưng là người nước ngoài thành đạt, đại gia tại Trung Quốc, Hong Kong, Singapore… Qua xác minh, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng nhận thấy tội phạm lợi dụng tính ẩn danh của internet, dùng phần mềm bảo mật, đặt máy chủ ở nước ngoài. Điểm chung là kẻ gian đều chủ động xin thông tin mạng xã hội khác của bị hại (như Zalo, Line) để kết nối nên bị hại không biết thông tin đăng ký của đối tượng.
“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”
Qua trò chuyện, tạo tin tưởng, kẻ gian bắt đầu lôi kéo bị hại tải ứng dụng sàn giao dịch tiền điện tử Binance, SGX và nạp VNĐ vào để mua USDT (một loại tiền điện tử có mệnh giá ổn định như USD). Tiếp đó, nhà đầu tư bị dụ chuyển USDT từ sàn Binance sang sàn SGX (sgxex.co, sgxex.org…) để được trả lãi từ 17-18%. Ban đầu, nạn nhân thường chỉ nạp vào ít tiền để thử vận may; nhưng ngay lập tức nhận lãi và rút được cả gốc lẫn lãi từ sàn SGX về sàn Binance, sau đó dễ dàng rút ra VNĐ nên có cảm giác tin tưởng. Trong khi đó, theo cơ quan điều tra, số lãi ban đầu nhận được là do kẻ gian chủ động trả lãi để nhà đầu tư tiếp tục sập bẫy những lần tiếp theo.
Khi tiếp tục nạp số tiền lớn hơn vào sàn SGX, nhà đầu tư vẫn nhận được tiền lãi trong tài khoản theo cấp số nhân nhưng lại không thể rút tiền ra khỏi sàn SGX. Nếu thắc mắc, họ được giải thích là tài khoản mới cần nâng cấp thành viên, nghi ngờ rửa tiền, cần nạp thêm tiền để đóng thuế, phí… thì mới rút được tiền gốc và lãi.
“Thực tế bị hại không bao giờ rút được tiền vì ứng dụng sàn SGX là ứng dụng giả mạo, do đối tượng lập ra để chiếm đoạt tiền ảo USDT. Bằng thủ đoạn “thả con săn sắt bắt con cá rô” một cách tinh vi, đối tượng đã thả mồi nhử nhiều người đầu tư tiền ảo nhưng hầu như các bị hại không quan tâm vấn đề này, chỉ quan tâm đầu tư vào sàn SGX sẽ kiếm lời nhiều”, thượng tá Trần Nam Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Đà Nẵng, cảnh báo. So với hình thức lừa đảo đa cấp núp bóng đầu tư tiền ảo trước đây, thủ đoạn mới lần này còn tinh vi hơn.
Miếng mồi “trả lãi”
Bên cạnh sàn SGX, Công an TP.Đà Nẵng cũng chỉ rõ hoạt động đầu tư tài chính bất hợp pháp của tổ chức Lion Group trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Thời gian qua, nhiều cá nhân đã kêu gọi, lôi kéo người dân đầu tư tài chính vào lĩnh vực ngoại hối thông qua sàn giao dịch điện tử Fx Trading Markets.
Theo đại tá Trần Đình Liên, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, Lion Group còn có tên gọi là Lion Team, Lion Community; các thành viên tự xưng đã hoạt động 1,5 năm với đội ngũ hơn 40 chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm, xây dựng cộng đồng gần 40.000 nhà đầu tư.
Muốn gia nhập Lion Group cần có thành viên trong tổ chức giới thiệu, hướng dẫn mở tài khoản trên sàn giao dịch điện tử Fx Trading Markets tại trang web fxtradingmarkets.com và nạp tiền tối thiểu 1.000 USD. Số tiền đầu tư được ủy thác cho ban chuyên gia giao dịch giúp với cam kết lợi nhuận 0,8 - 1%/ngày và 20 - 24%/tháng. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể tăng thêm thu nhập bằng cách phát triển mạng lưới, đội nhóm với 5 cấp bậc từ level 0 - 4. Thành viên và mạng lưới càng nhiều thì cấp bậc càng cao, thu nhập cũng tăng theo tỷ lệ thuận...
Tuy nhiên, theo đại tá Trần Đình Liên, chỉ có các tổ chức tín dụng mới được kinh doanh ngoại hối, còn sàn Fx Trading Markets hay Lion Group không được Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nên các cá nhân đầu tư ngoại hối với tổ chức này là không đúng quy định pháp luật.
Đại tá Trần Đình Liên cảnh báo, một khi không thu hút được nhà đầu tư mới, mạng lưới Lion Group không đủ tiền chi trả và sẽ sụp đổ, nhà đầu tư mất toàn bộ tiền. Người tham gia sẽ không được bảo vệ trước các rủi ro, nguy cơ phát sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất tiền và dữ liệu cá nhân. “Lợi nhuận, khoản trả thưởng mà Lion Group cam kết với nhà đầu tư về bản chất là lấy tiền người sau để… trả cho người trước”, đại tá Liên nói.
Không được pháp luật bảo hộTheo đại tá Trần Đình Liên, mô hình hoạt động, phát triển mạng lưới và cam kết lợi nhuận, trả thưởng của Lion Group có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, nhưng đến nay cũng không được Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp. Còn theo thượng tá Trần Nam Hải, chủ thể cả người mua và bán tiền ảo không xác định cá nhân, tổ chức, tuy bảo mật nhưng không được pháp luật bảo hộ nên rủi ro rất lớn.
Mã số bảo mật lưu giữ tiền ảo trên mạng luôn bị tấn công, có thể bị lộ, chiếm đoạt bởi hacker, tài khoản có thể bị mất. “Căn cứ khoản 2 điều 17 Luật Ngân hàng 2010 và khoản 6,7 điều 4 Nghị định 80 năm 2016, tiền ảo không phải tiền tệ, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp, theo điều 105 Bộ luật dân sự 2015 thì tiền ảo không phải tài sản, người đầu tư tiền ảo và bị chiếm đoạt không được pháp luật bảo hộ”, thượng tá Trần Nam Hải nói.
|
Bình luận (0)