Cảnh giác với tội phạm lừa đảo mới

23/04/2011 01:13 GMT+7

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra nhiều vụ lừa đảo với phương thức, thủ đoạn giống nhau: nạn nhân vừa bị kẻ gian trộm mất tài sản lại còn bị lừa gạt lấy tiền.

Qua mặt công an phường

Ngày 22.3.2011, chị Trần Thị Hương Giang (phường 4, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) bị kẻ gian đột nhập vào nhà lấy trộm số tài sản trị giá khoảng 260 triệu đồng. Sau khi trình báo với địa phương, gần nửa tháng sau chị Giang nhận được điện thoại của ông Hấn, Phó trưởng công an phường. Ông Hấn cho biết số tài sản của chị đang được Công an tỉnh Bạc Liêu tạm giữ, đồng thời cho số điện thoại 0188-5551192 của một người tự giới thiệu tên Tân, là “Đội trưởng Đội Điều tra Công an Bạc Liêu” để chị Giang liên hệ.

 

 Minh họa: DAD

Khi chị Giang liên lạc với Tân thì được biết công an đã bắt được đối tượng trộm tài sản của chị. Nói chuyện qua điện thoại, “Đội trưởng” Tân hứa sẽ đề xuất cấp trên ngày 8.4.2011 trực tiếp đến TP Mỹ Tho để trả lại tài sản cho bị hại, kèm theo lời gợi ý xin 14 triệu đồng “bồi dưỡng” anh em trong đội, thông qua hình thức nạp tiền vào số điện thoại của Tân.

Dù rất muốn đền ơn nhưng vì không có đủ 14 triệu đồng nên chị Giang hứa sẽ “trả công xứng đáng” sau khi nhận lại tài sản. Đến lúc này thì “Đội trưởng” Tân giảm giá xuống còn 7 thẻ cào, mỗi thẻ mệnh giá 500 ngàn đồng. Mừng quá, chị Giang chạy đi mua thẻ về rồi đọc mã số của thẻ để Tân ghi. Chiều ngày 5.4, công an phường điện thoại nhắc chị Giang coi chừng bị lừa. Giật mình, chị gọi cho “Đội trưởng” Tân thì chỉ nghe “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...”.

Sơ hở có thể bắt đầu từ cơ quan công quyền

Nhận định về các vụ lừa đảo nói trên, đại tá Đặng Quang Minh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Tiền Giang, cho rằng sơ hở có thể bắt đầu từ công an cơ sở. Ví dụ, sau khi Trần Thị Hồng Chinh, Phó trưởng phòng Kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín - chi nhánh Tiền Giang bị bắt giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gia đình của bị can này nhận được điện thoại cho biết Chinh đang bị bệnh nặng, muốn được vào thăm thì phải “lo” tiền. Qua xác minh cho thấy đầu tiên kẻ lừa đảo đã gọi cho UBND xã Tân Hương (nơi Hồng Chinh cư ngụ) và xưng là “cán bộ trại giam”, muốn gặp gia đình của bị can. Được UBND xã cho số điện thoại, kẻ lừa đảo đã trực tiếp liên lạc với gia đình.

Cũng theo đại tá Minh, cơ quan điều tra đã có thông báo về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm mới này để công an các địa phương phổ biến cho dân biết nhằm cảnh giác, phòng ngừa và yêu cầu không cung cấp số điện thoại của bị hại cho bất cứ ai.

Cũng số điện thoại 0188… nói trên và cùng ngày 5.4, “Đội trưởng” Tân gọi cho ông Hải, Phó trưởng công an phường 10 (TP Mỹ Tho) đề nghị thông báo cho 2 bị hại trong vụ mất trộm tiền và xe gắn máy ở địa phương liên hệ với Tân để nhận lại tài sản bị mất. Vậy là ông Hải gọi cho chị Tạ Thị Thu (tạm trú tại khu phố 4, phường 10), người vừa bị mất trộm chiếc xe Air Blade. Khi chị Thu liên lạc với Tân thì được gợi ý bồi dưỡng 7 triệu đồng, cũng bằng cách nạp tiền qua thẻ cào điện thoại di động. Nghi ngờ mình bị lừa, sau khi nạp 3 triệu đồng, chị Thu không nạp tiếp. Riêng anh Hồ Thanh Phong (ngụ QL50, phường 10, TP Mỹ Tho) là nạn nhân trong vụ trộm 200 triệu đồng. Sau khi được công an phường thông báo, anh đã liên lạc với Tân nhưng chưa chuyển tiền “bồi dưỡng”.

Mất tiền còn bị lừa

Ngày 25.12.2010, anh Huỳnh Anh Tuấn đi TP.HCM nhận giùm 694 triệu đồng tiền bán heo cho em ruột là chủ lò heo ở ấp Mỹ Hưng, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè. Về tới lò mổ heo lúc nửa đêm, gọi cửa không được nên Tuấn ngủ chung với một người làm công ở trước thềm nhà. Trong khi ngủ Tuấn cẩn thận kê giỏ tiền lên đầu, nhưng lúc thức giấc thì giỏ tiền và 2 máy điện thoại di động của anh và người làm công đều biến mất.

Mấy ngày sau, Công an xã Thiện Trí nhận được cuộc gọi từ số máy 0938-361524 của một người xưng là Định, điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang. Định thông báo có bắt giữ 2 đối tượng cướp giật tài sản. Qua khai thác, đối tượng này khai nhận vụ trộm tiền của anh Tiến. Ngay sau đó, Định gọi cho anh Tiến xin được “bồi dưỡng” 11 triệu đồng, cũng bằng cách nạp tiền qua điện thoại di động. Không nghi ngờ gì, anh Tiến đã chuyển 11 triệu đồng cho Định, nhưng sau đó thì số điện thoại của Định "ngoài vùng phủ sóng".

Sáng 3.1.2011, người ta phát hiện Phòng Kế toán - Tài vụ của Công ty CP rau quả Tiền Giang (xã Long Định, huyện Châu Thành) bị kẻ gian đột nhập, 400 triệu đồng biến mất cùng một máy tính xách tay và máy ảnh. Bốn ngày sau, Công an xã Long Định nhận điện thoại của một người tự xưng là Long, đang làm việc tại Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Bình Phước, xác minh vụ mất trộm xảy ra tại Công ty CP rau quả Tiền Giang sau khi bắt được thủ phạm. Long cho biết được giao nhiệm vụ thông báo để Công an Tiền Giang đến nhận về xử lý theo thẩm quyền.

Sau đó, Long cũng trực tiếp điện thoại cho ông Hoàng, Trưởng phòng Hành chính của Công ty CP rau quả Tiền Giang, đề nghị cử người cùng đi với công an đến Bình Phước để nhận lại tài sản, đồng thời đặt vấn đề “bồi dưỡng cho anh em trong đơn vị” 7 triệu đồng. Nghe vậy, ông Hoàng đã chạy đi mua thẻ cào điện thoại di động và chuyển cho Long đủ 7 triệu đồng. Sau đó ông Hoàng gọi thì điện thoại của Long chỉ còn tín hiệu “ò í e”.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.