Làm thế nào để phát hiện tình trạng này là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Vàng nguyên liệu pha tạp chất và giải pháp phòng tránh” do Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA) tổ chức ngày 8.7.
Vàng thành phẩm có tạp chất |
2 loại tạp chất mới nhất được phát hiện trộn lẫn trong vàng nguyên liệu thời gian gần đây là wolfram và nhóm hỗn hợp kim loại osmium (Os), iridium (Ir), ruthenium (Ru). Thạc sĩ Nguyễn Thái Hòa - Trưởng phòng Giám định chất lượng Trung tâm vàng ACB, cho biết wolfram có tỷ trọng 19,25 g/cm2, tương đương với vàng tinh chất 19,3 g/cm2. Bột wolfram khi được độn vào vàng sẽ phân tán dưới dạng hạt. Còn nhóm hỗn hợp kim loại Os, Ir, Ru nếu pha với tỷ lệ hợp lý sẽ tạo ra một hợp kim có tỷ trọng bằng với vàng. Đặc tính này khiến việc phát hiện vàng có pha tạp chất rất khó khăn.
Theo ông Đậu Quang Bích - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty công nghệ D.C, có 2 giả thiết về việc xuất hiện vàng có pha hỗn hợp kim loại Os, Ir, Ru. Một là có kẻ gian đã mua các loại bột trên rồi tự trộn vào vàng. Giả thiết khác là vàng trộn tạp chất có nguồn gốc từ Trung Quốc. Giả thiết thứ nhất là không hợp lý vì không việc gì phải mua 3 - 4 loại trên để trộn vào nhau trong khi chỉ cần 1 loại là được. Giả thiết thứ hai hợp lý hơn, hỗn hợp kim loại này là sản phẩm thu được khi sản xuất platin trong tự nhiên. Có thể kẻ gian đã lấy loại bột thu được từ sản xuất platin để trộn vào vàng. Nếu DN sản xuất không kiểm soát kỹ đầu vào, mua phải vàng bị pha trộn tạp chất sẽ thiệt hại do các sản phẩm bị lỗi, bề mặt rỗ xước, nứt vỡ khi gia công, sản phẩm hư hỏng. Ông Đức Bảo Ngọc - chủ một DN sản xuất vàng nữ trang, cho biết vừa rồi DN đã mua phải vàng nguyên liệu bị trộn các loại tạp chất này, khi sản xuất sản phẩm bị hư. Kiểm tra thì phát hiện tỷ lệ tạp chất trong vàng đến 20%.
Vàng thật không pha tạp chất |
Nhiều cách kiểm định vàng
Tình trạng này khiến nhiều chủ DN kinh doanh vàng rất lo lắng. Theo ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch SJA, việc phát hiện vàng pha tạp chất không đơn giản. Vừa qua SJA đã gửi một mẫu vàng có tạp chất cho một trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm định nhưng cũng không phát hiện ra. Các nguyên liệu vàng 18k bị pha tạp chất khi đưa vào sản xuất nữ trang thì sản phẩm bị hỏng. Thế nhưng vàng 24k có pha tạp chất, nếu dùng bằng phương pháp đúc để tạo ra sản phẩm như nhẫn, vòng trơn thì sản phẩm không hư, các chủ tiệm vàng cũng rất khó có thể phát hiện ra được tạp chất này.
Hiện nay có 5 phương pháp để kiểm định chất lượng vàng gồm đánh đá, cân tỷ trọng, huỳnh quang tia X (XRF), nhiệt kim (Fire Assay), Inducvely Coupled Plasma (ICP). Mỗi cách kiểm tra sẽ tác động lên sản phẩm và đưa ra kết quả sai số khác nhau. Chẳng hạn, khi dùng nhiệt kim và ICP thì sản phẩm sẽ bị phá hủy nhưng cho ra kết quả với sai số 0,02% (nhiệt kim) và 0,1% (ICP); cân tỷ trọng thì không ảnh hưởng đến sản phẩm nhưng kết quả không cao. Ông Hòa cho biết đã thử nghiệm khi sử dụng cân tỷ trọng để kiểm tra mẫu vàng có wolfram cho kết quả tuổi vàng khoảng 98%. Nhưng khi tiến hành bằng phương pháp huỳnh quang tia X ở bề mặt ngoài có hàm lượng vàng 98% nhưng khi cắt ngang thì hàm lượng vàng còn 94%. Khi thử bằng phương pháp nhiệt kim và gửi đi nước ngoài kiểm chứng bằng phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử thì cho hàm lượng vàng 94,05 - 94,07%.
Tạp chất có trong vàng kém chất lượng - Ảnh: Khả Hòa |
Thông tin từ ông Trần Hải - Ban Khoa học kỹ thuật SJA, một số cách nhận biết vàng nguyên liệu có pha tạp chất như dùng kính lúp 12x (loại xem kim cương) quan sát sẽ thấy vàng có lẫn hạt li ti màu trắng, xám sẫm đen lẫn trong vàng; bề mặt vàng bị rỗ dăm không láng bóng. Khi đốt, vàng pha tạp chất không được trong như vàng y, những chỗ chưa kịp tan chảy có cát (sạn nhỏ)... Sản phẩm vàng có lẫn tạp chất nếu gia công đánh bóng sẽ dễ dàng nhận biết nhưng nếu sử dụng kỹ thuật làm mờ (phun cát) thì sẽ rất khó phân biệt. Do đó, để nhận biết chất lượng vàng thì tốt nhất là đốt hoặc giũa sản phẩm để dễ phát hiện tạp chất.
Thanh Xuân
Bình luận (0)