Mấy năm nay, mùa hồng nào ở Đà Lạt (Lâm Đồng), chị Trịnh Thị Hải Nga, người bán đặc sản Đà Lạt, cũng ngắt mấy cành đầy quả cả xanh và chín về cắm trong một chiếc bình gốm và đặt thêm một rổ hồng chín đỏ rực ở dưới. Căn phòng nhỏ với đầy sách của hai mẹ con cô bỗng đầy sức sống. Nhìn những cành hồng đầy quả sai lúc lỉu, chị Nga nhớ về tuổi thơ của mình, trong khu vườn nhỏ ở TP.Hạ Long, Quảng Ninh.
“Bà tôi có một cây hồng, không biết cây bao nhiêu tuổi. Mùa đông, cây trơ trụi, rụng hết lá, nhưng những quả chín đỏ vẫn còn lủng lẳng. Những quả hồng có một sức hấp dẫn vô cùng với tôi từ ngày đó”, chị Nga kể.
|
Lúc chị Nga cắm những cành quả hồng trong nhà, ở Đà Lạt ít người làm như vậy. Hồng vốn là trái cây, có loại để ủ hơi thành hồng giòn, hay để chín đỏ ăn thơm ngọt, mát lạnh. Hoặc, trên Đà Lạt, người ta chuộng làm hồng treo gió, cho giá trị rất cao. “Nhưng tôi thích vẻ đẹp mộc mạc của cành hồng quả. Mấy năm nay, cứ đến mùa hồng là trong nhà có bình quả đặc biệt thế này”, chị Nga cười.
Vẻ đẹp từ sự giản dị
Ở Hà Nội, cơn sốt cắm cành hồng quả bắt đầu từ trước rằm tháng 7 năm nay, tới bây giờ vẫn chưa hạ nhiệt. Nhiều chị em săn cành hồng quả và sáng tạo thành nhiều cách cắm khác nhau, phù hợp với không gian, nội thất của căn phòng.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, 28 tuổi, nội trợ, trú Q.Hà Đông, Hà Nội, người yêu thích cắm hoa bắt đầu cắm cành hồng quả từ mùa thu năm nay.
|
|
|
Chị Huyền cho biết: “Xu thế bây giờ, mọi người thường chọn nội thất cho ngôi nhà của mình bằng những tông màu đơn giản, khá trầm nên việc trong nhà có một bình hoa hay cành quả sẽ khiến không gian trở nên sống động, tươi mới hơn rất nhiều. Cắm hoa với tôi là một sở thích, nhiều khi cả ngày bận rộn mệt mỏi nhưng tối vẫn thức muộn để cắm hoa. Khi ra được một bình hoa đúng ý thì thực sự thấy vui lắm, cả ngày cứ đi ra đi vào ngắm, căn các góc chụp hàng chục tấm ảnh, đăng lên hội cắm hoa được các anh chị cùng đam mê góp ý, khen ngợi lại càng tuyệt hơn”.
“Cành quả hồng có thể hái quả ăn dần. Ai muốn bình cành hồng được bền, đẹp 1-2 tháng thì nên lựa chọn loại hồng ngâm, hồng giòn, quả xanh nhỏ để lâu khi chín sẽ có màu cam và ít bị rụng. Còn ai muốn cắm chơi ít ngày rồi hái quả ăn thì chọn loại hồng trứng, thường về cuối mùa cành quả già rồi, nhiều quả ương vàng sẽ nhanh chín”, cô gái đam mê nấu ăn, trang trí nhà cửa chia sẻ.
|
Chị Vũ Thiếu Ngân, trú P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên, Hà Nội rất hài lòng với mấy bình cành quả hồng Mộc Châu (Sơn La) vừa hoàn thành. Với chị Ngân, những cành hoa, quả được trang trí trong nhà cho mỗi thành viên có những năng lượng rất tích cực.
“Với bình quả hồng, quả lúc lỉu khiến tôi thấy rất thích thú. Vẻ đẹp của sự đầy đủ , tròn trịa và rất giàu sức sống. Nhất là cành hồng ngâm của Mộc Châu, nó khỏe, tươi tắn”, chị Ngân kể.
Để có được bình cành quả hồng đẹp, theo chị Ngân các chị em nên chọn cành khỏe, vì quả hồng to, tương đối nặng. Có thể bỏ hết lá để lộ quả. Nếu cắm ít cành thì nên chọn lọ miệng nhỏ 1 chút, hoặc phải cho cành có điểm tựa. Bình phải nặng, để chịu được lực của cành hồng. “Có những cành xinh xinh chỉ một vài quả cắm vào lọ cũng đẹp. Còn cắm nhiều cành thì tôi thích cắm chung vào chum gốm”, chị Ngân mách.
|
|
Cơn sốt cắm cành quả
Chị Nguyễn Thu Trang, 32 tuổi, quê Sơn La, trú Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội là chủ một công ty nhỏ về viễn thông. Mong muốn tiêu thụ được nhiều nông sản cho người nông dân quê mình, cô thường mang các nông sản, thực phẩm sạch từ Sơn La xuống Hà Nội bán thêm.
Từ trước rằm tháng 7 năm nay, chị Trang bắt đầu bán cành quả hồng, cành quả táo mèo. Khoảng 10 ngày trở lại đây, chị bán cả cành cà phê với đầy quả xanh chín. “Bản thân tôi cũng là người thích cắm hoa, trang trí nhà. Nhất là mùa dịch ở nhà có nhiều thời gian dành cho gia đình, cắm bình hoa, bình cành quả vừa để ngắm, chụp ảnh khoe bạn bè, làm cho mọi người trong gia đình có năng lượng tích cực hơn”, chị Trang cho hay.
|
|
|
Nói về “trend” cắm cành cà phê, chị Trang kể: “Tại Sơn La có rất nhiều cây cà phê được trồng ở nông trường Nà Sản, nông trường Mai Sơn. Cành cà phê với từng chùm quả rất sai. Quả xanh, vàng rồi chín đỏ cắm lên khá xinh, mùi thơm nhẹ nhẹ. Nếu như cành quả hồng hợp tiết trời thu, ngắm quả từ xanh đến chín rồi vặt ăn được luôn thì cành quả cà phê cũng có vẻ đẹp riêng”.
Theo chị Trang, cành hồng quả hợp với các loại bình gốm ít họa tiết. Cành cà phê thì hợp với bình thuỷ tinh, bình pha lê. Khi cắm thì nên trang trí thêm ít quả rời phía dưới hoặc thêm các vật trang trí khác. Nên tỉa hết lá đi để lại cành và quả. Chọn cành sai quả, có lẫn quả xanh, quả vàng quả đỏ khi cắm lên nhìn tổng thể sẽ bắt mắt và sinh động hơn. Để tươi lâu, nên cắm trong nước, vài ngày thay nước một lần.
Tỉa cành chú ý để cây phát triểnTheo khảo sát của chúng tôi, một số cửa hàng trái cây đặc sản của TP.HCM cũng bán cành quả hồng để cắm trong nhà, với mức giá từ 89.000 đồng tới 99.000 đồng/kg, chưa tính phí giao hàng tới tận nhà. Những cửa hàng này giới thiệu hồng được vận chuyển từ Đà Lạt.
Trong khi đó, tại Đà Lạt, chị Trịnh Thị Hải Nga cho hay, quả hồng giòn để ăn có giá bán lẻ từ 20.000 đồng - 25.000 đồng, giá sỉ thấp hơn.
Cành hồng quả Sơn La bán tại Hà Nội được nhiều nơi giới thiệu khoảng 35.000 đồng/kg. Còn cành quả hồng Đà Lạt bán ở Hà Nội được rao giá gần 90.000 đồng/kg, chưa tính phí giao hàng tận nhà. Nhưng nhiều người bán phải từ chối giao hàng, vì quá trình vận chuyển đường xa khiến quả bị rụng, giập nát.
Chị Nguyễn Thu Trang cho hay, cắt cành quả hồng để bán, phục vụ cho nhu cầu cắm, trang trí nhà cửa cũng là một cách tỉa cây để cây phát triển hơn. Từ cành hồng, người nông dân Sơn La cũng có thêm một khoản thu nhập, nhưng việc này cũng cần có kỹ thuật, chú ý tỉa cây sao cho cây hồng tiếp tục phát triển...
|
Bình luận