Họ gần như sống biệt lập với thế giới bên ngoài, đứng trên chòi canh lửa cao chót vót để quan sát cả một vùng rộng lớn. Hễ phát hiện đâu đó một đốm trắng của màu khói, họ lại đôn đáo bất chấp hiểm nguy để lao mình đi dập lửa cứu rừng.
Phủ xanh vùng đất dữ
Năm 2000, Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam đã đặt nhát cuốc đầu tiên để trồng gần 17.000 ha rừng (chủ yếu là thông, keo lá tràm). Trong các năm 2005, 2006 nơi đây đã xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng, hàng ngàn héc-ta rừng đã tan biến thành mây khói. Hiện nay, đang là thời điểm khắc nghiệt nhất của mùa khô Tây Nguyên, những người canh lửa cho rừng đang như ngồi trên đống lửa.
Đồi pháo binh cao trên 1.200m so với mực nước biển. Đứng trên đỉnh cao này có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn của ngã ba Đông Dương, nơi tiếp giáp của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Để ngăn bước tiến của quân giải phóng, Mỹ đã trải thảm hàng ngàn tấn chất độc hóa học phát quang những cánh rừng xanh trên dãy Sạc Ly. Mãi sau gần 40 năm, những quả đồi dọc dãy núi Sạc Ly vẫn trơ trọi, không một cây xanh nào mọc lên nổi. Vậy mà những người trồng rừng thuộc Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam bất chấp hiểm nguy để phủ lên một màu xanh bạt ngàn, hồi sinh những cánh rừng "chết" từng đi qua sự tàn khốc của chiến tranh.
Xung quanh đỉnh đồi pháo binh được Mỹ ngụy cài những bãi mìn dày đặc nên trên suốt chiều dài hơn 90 km của dãy Sạc Ly còn vô số bom, mìn sót lại. Khi đào hố trồng cây vướng phải mìn, phát nổ. Cháy rừng, mìn nổ... Do vậy tử thần luôn rình rập. Được những người gác lửa rừng trên đỉnh pháo binh dẫn đi "thực địa", chúng tôi thót tim vì những quả đạn cối, những quả mìn còn nằm lăn lóc dưới đám cỏ tranh.
Hiểm nguy rình rập
Đang đứng trên chòi canh lửa là chàng trai trẻ Trần Anh Huy, phía dưới là người vợ trẻ Đỗ Thị Sen. Rời chòi canh lửa, anh tâm sự: Hai vợ chồng cưới nhau năm 2007, đã có một cháu gái 2 tuổi Trần Đỗ Trà My, đã suốt bốn cái Tết rồi, cả hai vợ chồng đón giao thừa và... vui Tết trên đồi Sạc Ly này. Để cho con được học hành, cả hai đã phải gửi con gái về quê nội (Đông Hà, Quảng Trị). Những người canh rừng đã dựng túp lều tranh vừa đặt lọt chiếc giường hạnh phúc cho hai vợ chồng.
Đến điểm cao pháo binh khi mặt trời đứng bóng, ra đón chúng tôi là anh Nguyễn Xuân Cường, quê Hà Tĩnh, trên thân thể anh đầy thương tích, nhiều vết sẹo chằng chịt ngang dọc. Anh được mệnh danh là người "trở về từ cõi chết". Cường nhớ lại: năm 2006 khi có báo động cháy rừng ở khu vực xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, anh tức tốc lên đường làm nhiệm vụ, trong khi đang dập lửa bỗng phát lên tiếng nổ kinh hoàng của một quả mìn, anh gục xuống trên vũng máu, từ chân tay và cả ổ bụng đều bị thương tích nặng, sau đó được chuyển đi cấp cứu kịp thời và thoát chết. "Em đã cả chục năm sống chết với rừng. Khi đơn vị giải quyết cho về thăm vợ con, được vài bữa nhớ rừng không chịu nổi - lại tức tốc lên với rừng" - Cường nói.
Suốt 6 tháng mùa khô Tây Nguyên họ luôn "dán mắt" vào rừng, không một phút lơi là, chủ quan. Họ luôn ý thức được rằng nếu chỉ để xảy ra một sơ suất nhỏ là phải trả giá rất đắt, là tài sản vô giá, kể cả tính mạng mà họ đã nâng niu, đánh đổi bao giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu, để có được những cánh rừng xanh ngút ngàn hôm nay.
Trùng Dương
Bình luận (0)