Những ngày ấy, tôi thường theo ba đi giăng câu thả lưới, và mang về nào là cá mại, cá bống, cá móm, cá cấn và đặc biệt là những con cá diếc đầu mùa. Khi trút cá ra khoảnh sân hẹp trước nhà, chúng nảy lên tưng tưng trông rất thích mắt. Ngày nào có nhiều cá diếc là mẹ nghĩ ngay đến việc nấu canh cho ông nội. Mẹ nói, cá này nấu với lá ngải cứu sẽ chữa được bệnh nhức đầu kinh niên của ông.
Theo y học cổ truyền, cá diếc còn có tên tức ngư, phụ ngư, thân dẹt, dài khoảng 15-30 cm, đầu và đuôi thuôn, miệng hướng lên trên, mắt có viền màu đỏ, lưng nhô cao, toàn thân màu bạc. Cá diếc có nhiều cách chế biến như kho nghệ, kho tương, làm gỏi, nấu canh với rau răm, nhưng mẹ tôi thì thường nấu với lá ngải cứu. Lúc đầu ăn không quen thấy hơi đăng đắng ngai ngái, nhưng dùng lâu cảm giác rất thích thú, có khi đâm “ghiền”. Khi nấu, mẹ chọn 3-4 con (bằng cỡ 3 ngón tay) kèm theo một mớ lá ngải cứu. Sau khi làm sạch cá, cho vào nồi luộc cùng với ít gừng để khử mùi tanh. Cá chín vớt ra, gỡ phần thịt để riêng, xương và đầu giã nhỏ lọc lấy nước rồi trút vào nước luộc cá. Cho dầu vào chảo, phi hành thơm lên, trút phần thịt cá vào, nêm gia vị (bột ngọt, nước mắm, tiêu), đảo đều cho đến khi thấy thịt cá săn lại và tỏa mùi thơm. Tiếp đến đun sôi lại nước luộc cá, cho rau ngải cứu đã rửa sạch vào, sau đó trút phần thịt cá vào, nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn rồi tắt bếp; múc ra bát cho thêm vào ít húng ngò và tiêu bột là có ngay một tô canh nóng hổi, thơm ngon. Cảm giác hăng hăng của mùi ngải cứu, vị ngọt thanh của cá sẽ làm toát mồ hôi và đầu óc trở nên nhẹ nhõm vô cùng...
Hòa Nhơn
>> Cá diếc cá dưng
>> Cá diếc sông quê Cá diếc chuẩn bị nấu canh - Ảnh: Hòa Nhơn
Bình luận (0)