>> Cảnh sát Thái Lan truy lùng nghi phạm đánh chết hai du khách Anh
|
Hơn một tháng nay, cảnh sát Thái Lan phải đối mặt với quá nhiều áp lực. Ngày 15.9, hai du khách người Anh là Hannah Witheridge, 23 tuổi, và David Miller, 24 tuổi, bị phát hiện chết trong tư thế lõa thể tại bãi biển trên đảo Koh Tao, một điểm du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Surat Thani (miền nam Thái Lan).
Cảnh sát bất lực
Ngay từ những ngày đầu, cảnh sát đã không giữ nguyên được hiện trường, làm xáo trộn những chứng cứ quan trọng... Và không cần điều tra kỹ càng, họ đã thể hiện sự “nhanh nhạy” của mình bằng cách lập tức “chỉ” cho giới truyền thông “đối tượng tình nghi” là những người lao động nhập cư thân cô thế cô, mà không cần quan tâm đến cuộc sống của họ sẽ ảnh hưởng thế nào với những nghi vấn thiếu căn cứ đó.
Khi không tìm ra chứng cứ để buộc tội những người nhập cư, từ “vết máu” dính trên quần trong vali của nạn nhân Miller, cảnh sát lập tức chĩa mũi dùi qua người bạn đồng tính cùng phòng của Miller và cho rằng nguyên nhân vụ giết người này là do... ghen tuông. “Vết máu” sau đó được giám định lại chính là... vết bùn.
Sau một cuộc kiểm tra ADN trên 200 người có nghi vấn, đầu tháng 10, cảnh sát bắt giữ hai lao động nhập cư người Myanmar là Win Zaw Htun và Zaw Lin (đều 21 tuổi). Lần này, các nhân viên công lực khăng khăng đây chính là thủ phạm dựa vào lời khai của Win và Zaw cùng những chứng cứ họ có được. Tuy nhiên, một loạt câu hỏi do dư luận đặt ra liên quan đến “người được cho là thủ phạm” vẫn không được trả lời thỏa đáng. Điều này đã dấy lên những nghi ngờ rằng chứng cứ có thể được dàn dựng, “thủ phạm” thực chất chỉ là “kẻ thế mạng”, liệu rằng còn một ai đó liên quan đến vụ án này nhưng chưa bị “sờ” tới... (theo Bangkok Post, một lãnh đạo của Ban Cải huấn Thái Lan trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình đã nói ông ta tin rằng, có khoảng 1/2 phạm nhân trong trại giam là “kẻ thế mạng”).
Vụ việc càng trở nên phức tạp khi mới đây, ngày 21.10, hai người Myanmar bị bắt cùng ký đơn kêu oan rằng bị bức cung. “Chúng ta đừng quên bài học trong quá khứ đó là trường hợp của Sherry Ann Duncan, một cô bé người Mỹ gốc Thái bị giết tại tỉnh Samut Prakan năm 1986. Trong vụ này có bốn người bị buộc tội và tống giam. Và phải đến 7 năm sau đó họ mới được minh oan”, Saritdet Marukatat, một biên tập viên trang tin điện tử của Bangkok Post, nói.
Vụ án không chỉ làm người Thái chú ý mà cả Myanmar, Anh và các nước châu Âu (nơi có lượng du khách đến Thái đông nhất) đều theo dõi sát sao. Ngày 4.10, người dân Anh đã tổ chức thu thập 100.000 chữ ký yêu cầu chính phủ Anh phải điều tra độc lập. Chỉ trong vòng vài ngày, số chữ ký đã được thu thập đủ, vì thế chính quyền Anh yêu cầu được cử người đến Thái để hợp tác điều tra. Và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha buộc lòng phải chấp nhận để Anh và Myanmar cử người đến Thái để hợp tác điều tra nhưng chỉ với vai trò “quan sát viên”.
Tác động khó lường
Khách du lịch chết ở nước sở tại không phải hiếm, nhưng cách xử lý của cảnh sát mới là vấn đề đáng bàn đến. Nó như là một phép thử về tình hình an ninh cũng như sự đảm bảo an toàn cho khách du lịch của đất nước đó. Sau khi chính quyền quân đội lên nắm quyền hồi tháng 5, ngành du lịch Thái Lan đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiết quân luật. Giờ đây qua vụ này, trước mắt, lượng du khách đến đảo Koh Tao đã giảm đáng kể đến nỗi chính quyền phải tổ chức hội thảo bàn cách để vực dậy nền du lịch địa phương.
Trong cuộc khảo sát trên gần 2.000 người mới đây, 94% khách du lịch từ Anh và 73% khách du lịch từ các nước ở châu Âu đều biết đến và theo dõi rất sát vụ giết người này; 39% khách du lịch châu Âu dự định đến Thái trong vòng 6 tháng đến 2 năm tới cho biết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa vào kết quả điều tra.
Và hậu quả không chỉ dừng tại đó. Nếu không được xét xử công minh, trước mắt là hai người Myanmar sẽ bị kết án, nhưng điều lâu dài và quan trọng hơn nhiều đó là uy tín, là sự công minh của luật pháp bị lung lay. “Nó cho thấy, cảnh sát Thái cần phải được cải tổ triệt để. Xã hội không thể an toàn một khi cảnh sát làm việc không hiệu quả và đánh mất niềm tin từ người dân”, Sanitsuda Ekachai, người đứng mục xã luận của tờ Bangkok Post, nói.
Thái Lan được mệnh danh là đất nước của những nụ cười. Tuy nhiên, nụ cười đó có còn nở trên môi của du khách và của cả nhà cầm quyền hay không tùy thuộc rất nhiều vào những động thái sắp tới của cảnh sát và chính quyền Thái Lan.
Nguyễn Tập
(Văn phòng Bangkok)
>> Nữ du khách Anh chết thảm tại Ấn Độ
>> Xe chở du khách Anh lao xuống hào ở Pháp
Bình luận (0)