Thời gian gần đây, người dân địa phương lẫn du khách khi đến TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) không khỏi ngạc nhiên xen lẫn thích thú khi thấy nhiều chiến sĩ công an đi làm nhiệm vụ bằng xe đạp.
Cảnh sát tuần tra bằng xe đạp và hình ảnh thân thiện của CSKV Công an TP.Cao Lãnh tuần tra bằng xe đạp - Ảnh: công an cung cấp
|
Theo đại tá Trần Văn Đoàn, Trưởng công an TP.Cao Lãnh, mô hình cảnh sát khu vực (CSKV) tuần tra bằng xe đạp được thực hiện từ tháng 5.2015. Sau khi thực hiện thí điểm tại Công an P.4 có hiệu quả, người dân đồng tình ủng hộ, Công an TP.Cao Lãnh nhân rộng ra 8 phường nội ô trên địa bàn. Mỗi buổi sáng, CSKV đạp xe tuần tra địa bàn quản lý để thăm hỏi, nắm tình hình, nhất là khu vực phức tạp về an ninh trật tự. Lúc đầu, xe đạp dùng để tuần tra được tận dụng từ xe cũ của gia đình CSKV. Sau đó, nhiều ngân hàng trên địa bàn thấy mô hình hiệu quả, gần gũi với dân nên tài trợ toàn bộ xe đạp “loại xịn" để CSKV 8 phường có phương tiện làm nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Trường Giang, hướng dẫn viên du lịch tại TP.Cao Lãnh, cho biết nhiều du khách nhìn thấy cảnh sát tuần tra bằng xe đạp rất thích, đề nghị được chụp hình chung. “Cảnh sát vừa tuần tra, chào hỏi du khách không những tạo sự thân thiện, bảo vệ môi trường mà còn gây được hiệu ứng tốt trong xã hội”, anh Giang nhận xét. Bà Trần Thị Nữ (ngụ P.2, TP.Cao Lãnh) chia sẻ người dân thường quen với hình ảnh cảnh sát đi tuần tra bằng mô tô, nay cảnh sát tuần tra bằng đi xe đạp rất tiện lợi vì nếu có chuyện cần có thể gọi lại bất cứ lúc nào. “Nhìn mấy anh cảnh sát đạp xe làm tôi nhớ đến hình ảnh người chiến sĩ công an những năm 80 của thế kỷ trước, vừa thân thiện, gần gũi và có cảm giác yên bình”, bà Nữ nói.
Hình ảnh thân thiện
Trung tá Tạ Phương Kiều, Trưởng công an P.1 (TP.Cao Lãnh), cho biết việc tuần tra bằng xe đạp vừa tốt cho sức khỏe, vừa thân thiện với môi trường. Đại úy Nguyễn Tấn Hùng, CSKV khóm 4 (P.4, TP.Cao Lãnh), cho hay lúc đầu nhiều người thấy CSKV đạp xe tuần tra lạ quá kêu lại hỏi: “Bộ chú hết tiền đổ xăng hay sao mà đạp xe đạp?”. Trẻ con trong xóm thấy lạ cũng chạy theo đùa giỡn. Còn bây giờ, hình ảnh CSKV đạp xe đã trở nên quen thuộc. “Mỗi khi chúng tôi đạp xe ngang nhà, bà con niềm nở kéo lại hỏi thăm, mời vào nhà uống nước rồi cung cấp thông tin, hỏi thăm về hồ sơ đăng ký tạm trú, hộ khẩu...”, đại úy Hùng nói.
Theo đại tá Trần Văn Đoàn, ngoài việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an ngày càng thân thiện, gần gũi với dân và du khách, mô hình CSKV tuần tra bằng xe đạp cũng khá linh hoạt và cơ động. Trong lúc tuần tra, nếu phát hiện trộm hoặc cướp giật, CSKV có thể trấn áp ngay hoặc thông báo qua bộ đàm phối hợp các lực lượng khác truy bắt.
Nhiều nơi áp dụng
Đề xuất của Công an TP.Hà Nội mới đây về việc thí điểm mô hình cảnh sát trật tự - công an phường sử dụng xe đạp tuần tra kiểm soát, kết hợp công tác vận động, tuyên truyền về trật tự đô thị đã được UBND TP.Hà Nội chấp thuận. Theo Công an Hà Nội, để từng bước xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an thủ đô chính quy, thân thiện gần gũi với nhân dân, Công an TP phối hợp với Công ty TNHH MTV Thống Nhất nghiên cứu thiết kế và sản xuất loại xe đạp dành riêng cho lực lượng cảnh sát trật tự công an cấp phường. Loại xe đạp này dựa trên nguyên mẫu của xe đạp thông thường, nhưng được cải tiến bổ sung một số tính năng riêng biệt, phù hợp với yêu cầu công tác của lực lượng cảnh sát trật tự, có in hình công an hiệu và dòng chữ "Cảnh sát trật tự Công an thành phố Hà Nội”. Thời gian tới Công an Hà Nội áp dụng triển khai thí điểm trên địa bàn 12 phường tại 12 quận nội thành. Sau đó đánh giá hiệu quả để từng bước hoàn thiện và nhân rộng trên địa bàn thủ đô.
Trước Hà Nội, một số địa phương như Thanh Hóa, Đà Nẵng cũng đã thí điểm CSKV đi công tác địa bàn bằng xe đạp.
Mai Hà
|
Bình luận (0)