Tỉ phú George Soros từng nhận định trên tờ The Atlantic Monthly: “Quá nhiều cạnh tranh và quá ít hợp tác có thể dẫn đến bất bình đẳng không thể chịu đựng nổi”. Theo ông, hợp tác có tầm quan trọng không kém gì cạnh tranh và tư duy “phải thích nghi giỏi nhất để sống sót” khiến hợp tác không được ưu tiên.
Trong thời kỳ kinh tế thế giới đang hội nhập mạnh mẽ như hiện tại, quan điểm này lại càng thể hiện sự đúng đắn. Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam đã gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại, mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp trong nước.
Mặt khác, sức ép cho doanh nghiệp cũng ngày càng lớn hơn bởi làn sóng đổ bộ của các đối thủ nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến mới sẽ trải dài trên nhiều mặt trận gồm thị trường, nhân lực, vốn đầu tư… Chiến thuật được khuyến nghị dành cho bất cứ doanh nghiệp nào là phải thay đổi tư duy cạnh tranh từ "đối đầu" sang hợp tác cùng có lợi.
|
Biến “đối thủ” thành “đồng đội”
Thay vì đối chọi trong một cuộc đua khốc liệt, doanh nghiệp có thể bắt tay để tự khai thác các cơ hội kinh doanh mới, mở rộng thị trường và vươn tầm ra thế giới. Bài học từ người Trung Quốc khi tập đoàn Walmart vào đất nước này giành thị phần đã cho thấy rõ điều này. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tranh thủ trở thành nhà cung cấp đầu vào cho Walmart. Rất nhanh chóng, 60% sản phẩm hàng hóa trên kệ của chuỗi siêu thị khổng lồ này trên toàn thế giới đến từ các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc.
Ở Việt Nam, chiến lược biến “đối thủ” thành “đồng đội” để tăng thêm cơ hội tăng trưởng bền vững cũng đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Sự hợp tác diễn ra mạnh mẽ trong ngành bán lẻ với thỏa thuận của các “đại gia” với đơn vị cung cấp cũng như của những nhà bán lẻ với nhau.
Tháng 7.2016, Vingroup đã ký kết hợp tác với gần 250 doanh nghiệp bán lẻ nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất nội địa. Đặc biệt, tập đoàn dành mức chiết khấu 0% cho các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây. Chính sách này cũng hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi ích về giá cho người tiêu dùng. Tháng 9 vừa qua, thị trường thương mại điện tử trong nước ghi nhận sự bắt tay giữa nhà bán lẻ trực tuyến Lazada cùng các nhà phân phối truyền thống.
Tương tự, trong ngành viễn thông, nhiều thương vụ được thực hiện nhằm hoàn thiện chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Đơn vị viễn thông MobiFone đã liên tiếp ký kết hợp tác cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước như cổng thông tin giải trí Disney (đối tác cùng Walt Disney), dự án xây dựng hệ thống truyền dẫn cáp Hà Nội – TP.HCM (đối tác Ciena), gói cước mobile internet Zing (đối tác Zing.vn)…
Kinh nghiệm – bài học giá trị cần được chia sẻ
Ngoài bắt tay kinh doanh, hợp tác giữa các doanh nghiệp còn là sự hỗ trợ về mặt thông tin, kiến thức và kinh nghiệm điều hành, quản trị khách hàng và bán hàng... Nhiều diễn đàn doanh nhân ra đời trong thời gian gần đây đang hoạt động sôi nổi và được đón nhận. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và startup, những cộng đồng như MobiBiz.vn, Startup Grind, VSV… mang đến cơ hội lớn để tìm được lối đi an toàn từ thành công hay thất bại của chính các thành viên. Đồng thời, hệ sinh thái này là nền tảng để họ chia sẻ ý tưởng hay cơ hội kinh doanh để chuyển giao hoặc cùng khai thác lợi ích một cách tối đa.
Ông Hoàng Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty phần mềm FPT (FPT Software) từng nhận định về sự ra đời của cộng đồng doanh nhân MobiBiz.vn trong một bài phỏng vấn vào cuối năm 2015: “Tại đây, các doanh nghiệp có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thành công hay thất bại khi ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. Xa hơn, nếu có sự giao lưu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước thì chúng ta sẽ thu được nhiều điều bổ ích hơn nữa. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.”
Cũng theo ông, những diễn đàn này sẽ là nơi lý tưởng để doanh nhân kết nối với “đối thủ” nhằm tìm kiếm những lời khuyên bổ ích, từ đó tìm được hướng đi đúng đắn cho mô hình kinh doanh của mình. Đây chính là lời giải chính xác nhất cho bài toán cạnh tranh thời hội nhập ngày một khốc liệt.
Bình luận (0)