Việc đẩy thù lao ca sĩ hải ngoại lên quá cao đã tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ông bà bầu tại TP.HCM và Hà Nội.
Thù lao tăng vọt
Nếu như những cuộc về nước trên tinh thần “phục vụ khán giả quê nhà sau nhiều năm xa cách” của ca sĩ hải ngoại trước đây chỉ dừng lại ở mức giá từ 3.000 đến 5.000 USD thì năm 2011 đã được đẩy lên từ 8.000 đến 10.000 USD, có khi gần 15.000 USD. Việc đẩy cát sê ca sĩ hải ngoại lên cao đã tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ông bà bầu tại TP.HCM và Hà Nội. Năm vừa qua, những sô được chú ý của các nghệ sĩ hải ngoại như Nguyễn Hưng - Lưu Bích, Chế Linh, Quang Lê - Minh Tuyết… đều do các ông bầu ở miền Bắc tổ chức.
Theo lời một số bầu sô miền Nam, việc nâng giá của các ông bầu ở miền Bắc đã khiến ca sĩ hải ngoại mỗi khi nhận được lời mời về nước phải suy nghĩ rất nhiều. Nếu hét giá cao thì không phải bầu nào cũng trả nổi, mà nói giá thấp thì xem như “giá” của mình “bèo” hơn một số người từng về trước đó. Vậy là thay vì nhận lời về nước vào cuối năm 2011 đầu 2012, họ đành “án binh bất động”. Ví như ca sĩ Như Quỳnh, cô cũng đã nghĩ đến việc về nước gặp lại khán giả, nhưng vì có quá nhiều lời mời với nhiều giá chênh nhau nên giờ vẫn chưa thể quyết định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số ít ca sĩ hải ngoại sau lần đầu tiên về nước với giá cao ngất ngưởng - khoảng 10.000 USD - đã “ảo tưởng” về giá của mình và liên tục “ra giá” cho các bầu khác từ 5.000 - 7.000 USD (dù đó là sô ở phòng trà). Kết quả là hiện tại chẳng bầu sô nào dám “đụng” đến họ. Thế là để có sô diễn trong nước, một vài ca sĩ hải ngoại phải âm thầm hạ giá nhưng kèm theo yêu cầu bầu sô phải tuyệt đối không được hé lộ giá (thực) của họ ra bên ngoài.
Khán giả chịu thiệt
Việc cạnh tranh bằng cách mời chào ca sĩ hải ngoại về nước với mức thù lao cao ngất ngưởng của các bầu sô xét cho cùng là mối quan hệ “thuận mua vừa bán” giữa bầu sô với ca sĩ. Tuy nhiên, chính mức giá cao đó đã ảnh hưởng đến chất lượng chương trình và khán giả trong nước là người chịu thiệt.
Bà Thu Dung (Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông) cho biết: “Việc đưa giá cát sê cao buộc bầu sô phải bán vé giá cao để thu hồi vốn. Mà để bán vé cao thì bầu sô phải “đẩy” một số quảng cáo khống, như là đầu tư 4-5 tỉ đồng với trang thiết bị “khủng”, rồi ê kíp đến từ Hollywood”. Quả thực, ở một số sô của ca sĩ hải ngoại, khán giả trong nước vì thần tượng ca sĩ và tin rằng sẽ được thưởng thức một chương trình đẳng cấp nên đã phải bỏ vài triệu ra mua vé để vào xem. Khi xem xong mới có cảm giác như mình bị lừa vì thực tế chất lượng chương trình không đúng như những gì đã quảng bá trước đó.
Bà chủ phòng trà Tiếng Xưa, người đã đưa nhiều ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn như Ý Lan, Tuấn Vũ, Kim Anh, Trịnh Nam Sơn, Thanh Tuyền, Lê Uyên…, nói: “Chưa khi nào mức giá cát sê của ca sĩ hải ngoại được đẩy lên cao như hiện nay. Điều này đã làm cho nhiều bầu sô gặp khó khăn. Ngay cả ca sĩ hải ngoại cũng đắn đo suy nghĩ. Nhưng cũng may là giờ vẫn còn một số ca sĩ vì nghĩ đến cái tình, cái nghĩa những lần chúng tôi đưa về trước đây nên lấy giá mềm hơn. Cũng nhờ vậy mà các sô chúng tôi tổ chức hiện nay và sắp tới như sô của Trịnh Nam Sơn, Ý Lan, Vũ Khanh, Lệ Thu… sẽ có giá vé hợp lý cho khán giả”.
Dạ Ly
Bình luận (0)