Cạnh tranh thu hút FDI ngày càng lớn

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/12/2023 06:19 GMT+7

"Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của VN vẫn ổn định, bất chấp những bất ổn toàn cầu, chủ yếu nhờ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và cởi mở của VN", báo cáo cập nhật về kinh tế vĩ mô VN tháng 10 của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét.

Xuất hiện những "nhân tố mới"

Sau báo cáo của WB, một số dữ liệu về FDI vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) công bố cũng cho thấy thu hút FDI phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, trong 11 tháng tính từ đầu năm, vốn FDI vào VN tăng gần 15%, đạt 28,85 tỉ USD, trong đó vốn đăng ký mới tăng mạnh hơn 42%. Đặc biệt, báo cáo cũng cho thấy vốn thực hiện của các dự án FDI tính hết tháng 11 tăng gần 3%, ước đạt khoảng 20,25 tỉ USD, mức cao nhất trong vòng 6 năm qua (2018 - 2023). Nếu so với 4 năm từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến những năm sau đại dịch, thu hút vốn ngoại của VN cũng đang ở mức cao nhất so cùng kỳ.

Cạnh tranh thu hút FDI ngày càng lớn  - Ảnh 1.

Hạ tầng thông thoáng, kết nối tốt là lợi thế lớn cho các địa phương thu hút vốn FDI

ĐỖ TRƯỜNG

Nhận xét về những con số khá ấn tượng trên, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) FDI (VAFIE), cho rằng VN luôn là điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ về vấn đề đầu tư thương mại, mà còn là nơi đáng sống. Thế nên, con số tăng trưởng FDI, 28 - 29 tỉ USD hay cao hơn nữa, VN vẫn có thể đạt được. 

Theo ông Mại, chính sách thu hút vốn FDI của VN đã có sự thay đổi đáng kể từ sau Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, từ thu hút FDI bằng mọi giá sang thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đặc biệt, năng lực của DN trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được thị trường nội địa, tạo được công ăn việc làm và sản phẩm phục vụ trong nước lẫn tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất ngày một nhiều hơn. Vì vậy, các con số thống kê về mặt cơ học dường như không còn quá nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay, sự tăng trưởng của dòng vốn FDI vẫn cho thấy các nhà đầu tư lớn đánh giá cao môi trường đầu tư thương mại tại VN. Rõ ràng đây là tín hiệu đáng mừng.

11 tháng, có 5 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất nước gồm Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang. Thứ tự này đã thay đổi so với tháng trước. Chẳng hạn, TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án đăng ký mới, số dự án điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần cũng tăng; song so với cùng kỳ, FDI của TP đang giảm gần 13%. Bắc Ninh giữ vị trí thứ 6 trong thu hút FDI - là "thủ phủ" công nghiệp ở miền Bắc, nhưng thu hút FDI vào các khu công nghiệp của tỉnh năm nay chỉ đạt 1,1 tỉ USD, giảm 21,4% so với mức ước thực hiện năm nay.

Ở chiều ngược lại là sự nổi lên của một số địa phương như Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Bình... Từ nhiều tháng qua, Nghệ An vào top 10 địa phương thu hút FDI lớn của cả nước. Tỉnh này đang đứng thứ 6 cả nước trong thu hút FDI với 1,3 tỉ USD, kỳ vọng đến hết năm nay là 1,5 tỉ USD. Nghệ An và Thái Bình là 2 trong số các tỉnh lần đầu thu hút FDI vượt mốc tỉ USD. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An 11 tháng ước đạt 2,88 tỉ USD, tăng 13,51% so với năm trước. Báo cáo của tỉnh nhấn mạnh: "Kết quả này có đóng góp quan trọng của các DN FDI và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng khi nhiều dự án bước vào sản xuất". Đến nay, các "ông lớn" như Sunny Automotive, Foxconn… đều đã có mặt tại Nghệ An. Hay tỉnh Thái Bình tháng trước cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án lớn của Pegavision, Goodway và Longstar Lighting…

Ngoài các dự án mở rộng đầu tư của các "ông lớn" như LG Innotek, SK, Luxshare…; mới đây một số tập đoàn nước ngoài của Nhật Bản cũng đánh tiếng mở rộng đầu tư, mua cổ phần tại VN; tập đoàn về điện khí của Nga là TAIF cũng muốn đầu tư lớn tại Khánh Hòa; BOE (Trung Quốc) đang tìm kiếm cơ hội tại Bà Rịa-Vũng Tàu với quy mô dự án hơn 300 triệu USD…

"Dòng vốn FDI vào VN đang tăng tốt. Vấn đề là cạnh tranh trong thu hút FDI của các địa phương, ngành càng lớn và cạnh tranh thế nào cũng là điều cần đặt ra", GS Nguyễn Mại nhận xét.

Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nhận định sự vượt lên của một số địa phương vốn từng là tỉnh nghèo trong thu hút FDI là tín hiệu cực kỳ lạc quan. Các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa hay Bắc Giang, Thái Bình, Long An, Bình Thuận… đều có điểm chung là quỹ đất phong phú, có sự chuẩn bị hạ tầng tốt và môi trường đầu tư cải cách thông thoáng, lãnh đạo cầu thị. Đặc biệt, các địa phương có đường cao tốc kết nối các khu vực trung tâm đang là điểm cộng lớn trong thu hút đầu tư. Riêng 2 đoạn cao tốc vừa được khánh thành trong tháng 10 ở Thanh Hóa và Nghệ An đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Thanh Hóa đến Nghệ An còn một nửa thời gian (từ 3 tiếng xuống 1 tiếng rưỡi) và từ Hà Nội về Nghệ An chỉ mất khoảng 3 tiếng rưỡi thay vì 5 tiếng như trước.

"Quỹ đất sạch được chuẩn bị tốt, cao tốc hoàn thành là lợi thế lớn cho các địa phương. Tuy vậy, tại trung tâm kinh tế đã phát triển, lực lượng lao động trẻ có thể bị san sẻ và hút vào các đô thị phát triển, để chuyển sang các lĩnh vực dịch vụ đang có xu hướng bùng nổ sau Covid-19 như kinh tế số, thương mại điện tử… Vì vậy, lực lượng lao động cho các khu công nghiệp có nguy cơ thiếu hụt, từ đó gây rủi ro cho các nhà đầu tư", TS Nguyễn Quốc Việt nhận xét và cảnh báo về nguy cơ các địa phương đang ở tốp dẫn đầu trong thu hút FDI sẽ giảm dần lợi thế do thiếu hụt nguồn lao động, do quỹ đất cạn kiệt, do lúng túng trong việc "chọn hay bỏ" một dự án đầu tư mới có yếu tố liên quan môi trường, năng lượng… Đặc biệt có sự cạnh tranh không hề nhỏ trong tốp những địa phương dẫn đầu mà sự thay đổi thứ tự các tỉnh thành trong thu hút FDI sau mỗi tháng là minh chứng.

"Lợi thế của các địa phương nhỏ lại trở thành điểm yếu của các địa phương lớn trong thu hút đầu tư. Thế nên, muốn đẩy mạnh việc thu hút các dự án mới, các địa phương cần nâng lợi thế của mình lên. Phải đẩy mạnh đào tạo lao động chất lượng cao, bởi đó mới là chiến lược thu hút đầu tư bền vững, lâu dài. Ưu tiên những dự án tiết kiệm năng lượng, tài nguyên môi trường, bởi một số địa phương đi trước đang mất dần lợi thế này. Bên cạnh đó, yếu tố tiên quyết vẫn là giảm chi phí và rủi ro thông qua cải cách môi trường kinh doanh, minh bạch, công khai hơn nữa từ quy hoạch, chính sách đến thi hành pháp luật", TS Việt lưu ý.

Theo GS Nguyễn Mại, cạnh tranh thu hút FDI giữa các địa phương quan trọng hàng đầu, nhưng cạnh tranh với các nước đang có thế mạnh tương đương VN cần đặc biệt chú trọng. Tuy FDI vào VN đang tăng tốt, nhưng Ấn Độ với dân số 1,4 tỉ, là thị trường tiêu dùng khổng lồ mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng thèm muốn. Trong khi đó, ngành công nghệ cao tại Ấn Độ rất phát triển, hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên gia, công nhân làm việc trong ngành công nghệ cao của họ vô cùng tốt. Đó là điểm mà VN phải nỗ lực cải thiện. Thứ hai là Indonesia, dân số lớn gấp 3 lần VN, GDP cao gấp 2,5 lần, có lợi thế trong nhân công giá rẻ, thông thoáng trong việc phê duyệt các dự án lớn… 

Ưu thế của VN là hệ thống chính trị, an ninh ổn định, tỷ lệ dân số vàng, có độ mở nền kinh tế lớn, tham gia ký kết các hợp tác thương mại rộng khắp, tạo cơ hội xuất khẩu hàng hóa miễn thuế đến nhiều thị trường… Thêm vào đó là quyết tâm cải cách của Chính phủ VN đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Điều đáng lưu ý là đào tạo sớm, gấp cho lực lượng lao động chất lượng cao, có thể tiếp cận ngay nền công nghiệp bán dẫn trong tương lai.

GS Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.