Trong ba tháng đầu năm 2020, Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc (SCSPI) đưa ra nhiều bài viết vô lý và vô căn cứ khi cáo buộc nhiều tàu cá của Việt Nam xâm phạm trái phép vùng nước của đảo Hải Nam.
Cụ thể, dựa trên một nhóm dữ liệu được cho là tín hiệu định danh và định vị của các tàu (AIS), Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc (SCSPI) tố cáo tàu cá của Việt Nam đã đánh bắt cá bất hợp pháp hoặc do thám gần căn cứ hải quân chiến lược Du Lâm của Trung Quốc với số lượng lớn.
Cáo buộc vô lý
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn, có thể thấy nhận định của SCSPI rất phi lý. Thứ nhất, nếu thực sự đó là sự thật, an ninh của quân cảng Du Lâm, nơi trú đậu của các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc, hết sức đáng lo ngại.
Thứ hai, các ngư dân Việt Nam hoặc là “liều lĩnh” hoặc là “ngu ngốc” đến mức “lạy ông tôi ở bụi này” vừa đi đánh bắt cá bất hợp pháp, vừa bật máy định vị vệ tinh.
Thứ ba, các tàu hải cảnh Trung Quốc, vốn rất hung hãn xua đuổi ngư dân Việt Nam ở các vùng biển xung quanh Hoàng Sa, nay lại “dễ dãi” đến lạ lùng ở khu vực được cho là hết sức nhạy cảm.
Từ góc độ quản lý, chính phủ Việt Nam không dung túng tệ nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không có quản lý và không khai báo (IUU) và cũng không khuyến khích ngư dân đi do thám vùng biển của các quốc gia khác. Vì thế, làm sao có chuyện các tàu cá của Việt Nam xuất hiện số đông trong vùng biển của các quốc gia khác với các thiết bị hành trình ở trạng thái mở!?
Một số trường hợp đơn lẻ, tàu cá của Việt Nam có thể chỉ là qua lại bình thường, hoặc ghé các cảng nước ngoài để tiếp nước ngọt hoặc nhu yếu phẩm. Các hoạt động đó là hợp pháp theo quy định của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Dữ liệu không đáng tin cậy
Tạm gác qua tranh cãi pháp lý về vùng biển chồng lấn bên ngoài cửa vịnh Bắc bộ và các quyền qua lại tự do của tàu thuyền, câu hỏi đặt ra là liệu các dữ liệu AIS mà SCSPI cung cấp có đáng tin cậy.
Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao tìm cách xác minh cơ sở dữ liệu do SCSPI công bố ngày 3.2.2020 về 34 tàu có số hiệu MMSI của VN được cho là đã xuất hiện ở vùng nước lân cận Đảo Hải Nam bằng cách đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Marine Traffic, một công ty thương mại cung cấp các dữ liệu hàng hải uy tín nhất thế giới.
Kết quả kiểm tra cho thấy chênh lệch lớn giữa hai cơ sở dữ liệu. Cụ thể, 6 tàu cá trong danh sách của SCSPI hoàn toàn không xuất hiện trong dữ liệu của Marine Traffic. 21 tàu cá mà SCSPI ghi nhận không có nhật ký hoạt động hay di chuyển trên Marine Traffic vào thời gian SCSPI đã đưa ra. Tuy nhiên, Marine Traffic lại có dữ liệu về hoạt động của các tàu này tại các thời gian khác.
Cơ sở dữ liệu của Marine Traffic cũng cho thấy 4 tàu khác có hoạt động xung quanh thời điểm mà SCSPI đưa ra, nhưng vị trí của các tàu này tương đối xa Hải Nam. Nếu thông tin Marine Traffic và SCSPI đưa ra đều chính xác, có tàu đã di chuyển 200 hải lý trong vòng 7 giờ, trung bình 30 hải lý một giờ. Điều này không thể xảy ra với một tàu cá bình thường.
Đặc biệt, có 3 tàu cá mang số hiệu MMSI của Việt Nam được Marine Traffic ghi nhận hoạt động ở khu vực xung quanh Hải Nam ngày 20 và 21.1.2020. Tuy nhiên, có hai tàu trong số đó là WANG11111 (MMSI 574811111) và 11336 (MMSI 574868866) chưa bao giờ cập cảng tại Việt Nam kể từ ngày 25.3.2019 đến nay. Hành trình trên Marine Traffic cho thấy các tàu này thường quay trở lại cảng Yangpu của Hải Nam.
Dữ liệu này đặt ra nghi vấn về một số tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển các quốc gia khác nhưng lại phát tín hiệu định danh MMSI của Việt Nam.
Sự khác biệt đó đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của cơ sở dữ liệu SCSPI cung cấp. Điều đáng nói là chỉ một trường hợp duy nhất trong số 34 tàu của SCSPI có dữ liệu gần tương thích với cơ sở dữ liệu của Marine Traffic. Hơn thế nữa, các trường hợp của các tàu mang số hiệu WANG11111 (MMSI 574811111), 11336 (MMSI 574868866), và rất nhiều các tàu khác có số hiệu MMSI, nhưng mang nhiều tên khác do Marine Traffic phát hiện bị nghi ngờ là giả mạo nhận dạng, điều này vốn đã khá phổ biến với các tàu cá Trung Quốc.
Nghi án vu khống cho Việt Nam
Không rõ lý do gì khiến các chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc vội vã “chụp mũ” đánh bắt cá bất hợp pháp IUU hay thực hiện các hoạt động thu thập tin tức tình báo cho tàu cá Việt Nam. Bất cứ bộ dữ liệu AIS nào cũng cần phải được kiểm tra chéo kỹ lưỡng đối chứng với các nguồn khác nhằm đảm bảo thông tin là chính xác và phù hợp. Số liệu có thể bị ngụy tạo, sửa đổi, và diễn giải sai. Bên cạnh đó, các tín hiệu AIS chỉ cung cấp vị trí và hành trình của tàu, không đủ để kết luận về các hoạt động thực tế của tàu.
Các cáo buộc của SCSPI rất đáng chú ý tại thời điểm Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) tiết tộ thông tin về việc các ngư dân, dân binh của Trung Quốc xâm nhập các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nhiều nước và gia tăng hiện diện xung quanh đá Thị Tứ hiện đang do Philippines kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng SCSPI tìm cách “vu khống” Việt Nam để “đánh lạc hướng” của dư luận thế giới với hành động của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng bức ảnh trong đó một tàu cá Việt Nam bên cạnh tàu ngầm Trung Quốc bất chợt nổi lên do một ngư dân Việt Nam chụp ở phía đông bắc của Hoàng Sa để cáo buộc tàu cá Việt Nam đang “hoạt động trinh sát” ở Hải Nam quả thực là một sự bịa đặt thô thiển.
TS Đỗ Thanh Hải là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam.
|
Bình luận