Cao kiến đầy rủi ro

26/08/2015 08:24 GMT+7

Từ góc độ con người mà nói thì việc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas từ chức Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) không có gì là khó hiểu và không gây bất ngờ.

Từ góc độ con người mà nói thì việc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas từ chức Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) không có gì là khó hiểu và không gây bất ngờ.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas - Ảnh: Reuters
Ông Abbas năm nay đã 80 tuổi và kể từ khi kế nhiệm nhà lãnh đạo Yasser Arafat đến nay thất bại nhiều mà thành công ít trên cả cương vị đứng đầu PLO lẫn chính quyền Palestine. Nhưng nhìn từ góc độ chính trị quyền lực thì sự từ chức nói trên lại là một mưu sâu kế cao của chính khách này.
Ông Abbas có từ chức như thế thì mới buộc Hội đồng dân tộc Palestine tiến hành đại hội mới để bầu ra các cấp lãnh đạo. Lần cuối cùng hội đồng 740 thành viên này họp là vào năm 1996. Ông Abbas cần đại hội này để xác lập sự ủy thác của người Palestine cho những nhân vật lãnh đạo mới, gây dựng và củng cố nền tảng quyền lực cho những cộng sự của mình và cô lập, vô hiệu hóa những nhân vật và nhóm phái cùng chí nhưng không cùng hướng.
Bằng cách này, ông Abbas buộc tất cả các đối thủ chính trị phải bộc lộ quan điểm và buộc người Palestine phải lựa chọn tương lai chính trị của Palestine thông qua lựa chọn ban lãnh đạo mới.
Nhưng cao kiến của ông Abbas lại đi cùng nhiều rủi ro. Nếu kết quả bầu chọn của đại hội không rõ ràng, tức là không đưa lại sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, thì sẽ chỉ lợi bất cập hại đối với ông Abbas và Palestine. Nếu những cá nhân và phe cánh thất thế ở đại hội này trở thành phe đối lập chính thức hoặc ly khai thì lại còn tồi tệ hơn. Nhưng đã chơi kiểu được ăn cả ngã về không trong canh bạc quyền lực này thì ông Abbas phải chấp nhận những rủi ro ấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.