Cao nguyên ở Lào - nơi có hố va chạm thiên thạch hàng trăm ngàn năm

10/01/2020 20:00 GMT+7

Cách đây khoảng 790.000 năm, một thiên thạch đã lao xuống Trái đất mang theo sức mạnh hủy diệt, vào thời điểm va chạm đã tạo ra vụ nổ khủng khiếp và bao phủ 10% diện tích bề mặt địa cầu bằng những mảnh đá vụn.

Những mảnh đá vụn dạng này trải khắp khu vực Đông Dương đến tận phía đông Nam Cực, và từ Ấn Độ Dương đến tây Thái Bình Dương.
Trong hơn 1 thế kỷ, các nhà khoa học nỗ lực tìm kiếm chứng cứ của vụ va chạm, nhưng họ không thể nào xác định được vị trí thiên thạch lao xuống, cho đến mới đây.
Báo cáo trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy hố va chạm nằm ở cao nguyên Bolaven thuộc tỉnh Champasak của Lào.
Hõm chảo cổ đại bị che đậy bởi lớp dung nham núi lửa đã nguội, bao phủ diện tích 5.000 km2.
Trong nghiên cứu mới, đội ngũ chuyên gia của Đại học Texas (Mỹ) đầu tiên kiểm tra một số địa điểm ở miền nam Trung Quốc, phía bắc Campuchia và miền trung Lào, nhưng nhanh chóng loại bỏ những nơi này.
Phải đến khi rà soát Cao nguyên Bolaven họ mới phát hiện những manh mối thích hợp. Tại đây, luồng dung nham đã nguội nằm trong độ tuổi từ 51.000 đến 780.000 năm tuổi.
Trong quá trình rà soát hơn 400 địa điểm ở cao nguyên Lào, các nhà khoa học dùng bản đồ trọng lực để xác định được một ứng viên nặng ký: một hõm chảo hình ê líp, thuôn dài, sâu 100 m, rộng 13 km và dài 17 km.
Dựa trên những manh mối đó, đội ngũ chuyên gia kết luận “dòng đá núi lửa nóng chảy đã chôn vùi địa điểm va chạm” thiên thạch hàng trăm ngàn năm trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.