Kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy ở khu vực trung tâm TP.HCM, hơn 80% cao ốc không đủ chỗ đậu xe. Tại Hà Nội, những khu đô thị mới cũng thiếu chỗ đậu xe trầm trọng.
|
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết cao ốc văn phòng, thương mại tập trung đông người ở trung tâm TP.HCM đều không đủ chỗ đậu xe mà thường phải bố trí đậu ở các khu vực xung quanh, nhất là đậu “ké” trên vỉa hè, lòng đường.
Quy định 19.300m2, thực tế 8.890m2
Trung tâm thương mại Diamond Plaza (22 tầng), nằm ở mặt tiền các đường Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Chiêm (Q.1) vốn là khu vực thường xuyên đông đúc khách hàng đến mua sắm, nhưng 2 tầng hầm của trung tâm không đủ chỗ đậu nên người dân thường xuyên phải gửi xe ở bãi lân cận và trên lòng đường, vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm tương đối nhỏ hẹp. Khách đến Trung tâm thương mại Parkson (Lê Thánh Tôn, Q.1, cao 5 tầng) cũng thường xuyên phải gửi xe ở các bãi đậu xe xung quanh vì trung tâm chỉ bố trí 1 tầng hầm đậu xe máy.
|
Tương tự, cao ốc văn phòng VFC Tower (29 Tôn Đức Thắng, Q.1, cao 11 tầng) xe thường xuyên phải đậu trên vỉa hè đường Nguyễn Trung Ngạn và Tôn Đức Thắng. Ngay cạnh đó, cao ốc văn phòng tại địa chỉ 21 Nguyễn Trung Ngạn (cao 12 tầng) chỉ bố trí 1 tầng hầm đậu xe máy. Do đó, người tới làm việc và giao dịch tại đây phải đậu ô tô nối dài trên đường Nguyễn Trung Ngạn, choán phần lớn diện tích giao thông. Cao ốc văn phòng Sun Wah (đường Nguyễn Huệ, Q.1) cao 20 tầng bố trí thêm bãi đậu trên vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu…
Theo thống kê của Sở Xây dựng, qua kiểm tra 8 công trình trên đường Nguyễn Huệ (được xác định là tuyến đường trọng tâm của khu trung tâm), tổng diện tích đậu xe thực tế chỉ khoảng 8.890m2. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, tổng diện tích chỗ đậu xe tối thiểu cần đến hơn 19.300m2. Như vậy, diện tích đậu xe chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu thực tế. Ông Quách Hồng Tuyến, Phó giám đốc Sở Xây dựng, nhận xét tình trạng thiếu chỗ đậu xe phổ biến như trên là do trong quá trình sử dụng, nhiều chủ đầu tư (CĐT) sử dụng sai chức năng chỗ đậu xe, tự ý chuyển đổi chỗ đậu xe tại tầng hầm thành phòng làm việc, phòng phụ trợ, căn tin... Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại chậm phát hiện hoặc chưa kiên quyết xử lý. Ngoài ra, nhiều công trình xây dựng từ năm 1997 về trước thậm chí hoàn toàn không có chỗ đậu xe bên trong công trình.
Cách làm bị “trật chìa”
|
KTS Nguyễn Ngọc Dũng, Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng việc buông lỏng kiểm soát chỗ đậu xe tại các cao ốc, trung tâm thương mại và dồn trách nhiệm đầu tư các dự án bãi đậu xe công cộng cho chính quyền là một cách làm bị “trật chìa” ngay từ đầu. Bởi để đảm bảo chỗ đậu xe, các nước trên thế giới thực hiện giải pháp rất đơn giản và công bằng. Đó là mỗi đô thị thường có quy định về “điều kiện sách” hay còn gọi là “quy ước đô thị”, dựa trên đặc thù của từng TP. Với các đô thị đông dân như TP.HCM hay Hà Nội, nếu không có các quy ước riêng thì không thể quản lý nổi.
“Trong việc quản lý chỗ đậu xe, cần có quy ước buộc các CĐT trong TP phải trình bày được phương án bố trí chỗ đậu xe khả thi. Không thể để tình trạng CĐT, chủ cao ốc chỉ biết kinh doanh, kiếm lợi nhuận và đẩy trách nhiệm giải quyết hạ tầng giao thông và chỗ đậu xe cho chính quyền, cho ngân sách. Hiện nay, chúng ta cứ trông chờ vào các dự án bãi đậu xe ngầm, song thực tế trên thế giới không ai làm bãi đậu xe ngầm tập trung cho khách vãng lai mà chỉ quy định cao ốc nào tự bố trí bãi đậu xe cho chính cao ốc đó. Chẳng hạn, nếu xây bãi đậu xe ngầm ở Công viên Lê Văn Tám (Q.1) sẽ phục vụ cho ai? Người dân ở các đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Cống Quỳnh... không thể gửi xe ở Công viên Lê Văn Tám rồi đi bộ đến nơi cần đến. Taxi, xe buýt cũng không thể đỗ trong bãi xe ngầm để đón khách. Do đó, quan trọng nhất là cần siết chỗ đậu xe tại từng công trình...”, ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, TS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn thiết kế NVD, cho rằng nên bắt buộc các cơ sở dịch vụ, thương mại phải có hồ sơ đăng ký chỗ đậu xe tương xứng với quy mô doanh nghiệp. Đồng thời, cần hợp lý hóa giá giữ xe khu trung tâm, tỷ lệ thuận theo giá trị đất và có thể lũy tiến theo giờ, để khuyến khích CĐT xây bãi giữ xe.
Lo “khu ổ chuột kiểu mới” Tại Hà Nội, nhiều khu nhà cao tầng tại các khu chung cư, khu đô thị mới dù chỉ xây cách nay trên 10 năm nhưng cũng không có tầng hầm để xe, đặc biệt là tầng hầm để xe ô tô. Theo khảo sát của chúng tôi, tất cả các block khu đô thị Nam Trung Yên đều không có tầng hầm. Một phần của tầng 1 được dùng cho việc để xe đạp và xe máy của cư dân, không có chỗ cho xe hơi. Xung quanh khu đô thị này ô tô đậu trên lối đi, khu sân chung… một cách mất trật tự. Một số khu đất chung, thậm chí ngay trên sân của tòa nhà đã được người ta tận dụng làm bãi trông xe ô tô mi ni, giá gửi xe từ 700.000 đến trên 1 triệu đồng/chiếc/tháng tùy từng loại xe. Tương tự, tại các khu đô thị mới khác như Văn Quán, Trung Hòa Nhân Chính… cũng đang tồn tại những khu nhà cao tầng không tầng hầm, không có chỗ để xe ô tô. KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, lo ngại: “Ở trong nhà thì đẹp, bước chân xuống sân chung thì chỗ đi lại bị chiếm dụng, những chiếc xe 4 chỗ lấy mất chỗ vui chơi của người già và con trẻ... Đây là một trong những biểu hiện của cái mà người ta gọi là “khu ổ chuột kiểu mới”. Rõ ràng đây là hậu quả của tầm nhìn hạn chế. Theo tôi, cần nghiêm túc xem lại hệ thống phê duyệt, quy trình thẩm định dự án, ra quyết định quy hoạch và tổ chức giám sát thật chặt chẽ quá trình xây dựng. Nếu không chấn chỉnh ngay, các khu đô thị mới trong tương lai sẽ lại tiếp tục trở thành “sọt rác quy hoạch”.
|
Phương Thanh - Quang Duẩn
Bình luận (0)