Cào ốc ruốc

22/01/2007 15:15 GMT+7

Ba tháng đầu năm, khi đàn ông theo thuyền bè ra khơi, phụ nữ, trẻ con ở làng chài Quảng Nam lại kéo nhau đi cào ốc để "tăng gia". Những con ốc ruốc nhỏ xíu, vân xanh vân đỏ chỉ có ở vùng biển Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng mang lại nguồn thu đáng kể cho dân làng chài...

Thời vụ kiếm tiền đi học

Mùa ốc ruốc bắt đầu từ khoảng cuối tháng giêng và kéo dài đến khoảng tháng 3, 4 âm lịch. Dân làng chài vẫn bảo đấy là "của trời cho, biển tặng". Tảng sáng, những đoàn người đi cào ốc dọc những cửa biển ở Hội An, Điện Bàn, Núi Thành đã trở về. Người mang bao, kẻ đội thúng. Trời rét căm căm vẫn quần cộc, áo lá, người ướt sũng.

Bà Năm Móm (Cẩm Thanh, Hội An) đã gần 60 tuổi cũng gia nhập "đội quân" cào ốc ở biển Cửa Đại hào hứng kể, chỉ một buổi bà có thể cào được hơn chục lon ốc, bán ngay tại bến giá 3.000-3.500 đồng/lon (tùy ốc lớn, nhỏ). "Mấy đứa con gái cào nhanh và giỏi lắm, chừng 4-5 tiếng đồng hồ chúng cào được vài mươi lon dễ như chơi". Vào đầu mùa, con ốc còn mập, béo ngậy nên mấy bà buôn có thể trả đến 4.000 đồng/lon để tranh mua.

"Nghề này một vốn bốn lời nên bọn em ham lắm", Thanh 15 tuổi ở Điện Nam theo mấy chị đi cào ốc dọc biển Hà My kể. Từ 4 - 5h sáng cả nhóm đã rủ nhau đi, người có sức thì cào đến trưa. Xế chiều lại đi tiếp. Những cô cậu còn đi học như Thanh thì chỉ cào độ 6h sáng là lo về đi học. Cứ mùa ốc là Thanh bị phạt vì tội đi học trễ. Bù lại, mỗi buổi cậu kiếm gần 20 ngàn đồng. Hết ba tháng mùa ốc, Thanh đủ tiền sắm sách vở cho năm học kế tiếp.

Dân cào chẳng phải sắm đồ nghề gì nhiều. Chỉ một cây vợt chỉa có móc sắt, một cái ống bằng bao hoặc tre để đựng ốc. Cứ thế ra biển. Người người lầm lũi cắm chỉa xuống cát, cào, kéo theo một vệt thẳng. Đến khi thấy vợt nặng tay thì kéo lên, trút ốc vào cái ống mang kè kè bên mình.

Sinh nghề... bệnh nghiệp

"Nghề cào ốc phải kiên nhẫn, chịu lạnh, chịu nắng nên thường phụ nữ, người già mới chịu khó đi cào", bà Năm Móm giải thích. Tuy chỉ là nghề thời vụ vài ba tháng, nhưng cứ dầm nước biển, lạnh, trên đầu nắng chói chang, người khỏe rồi cũng có lúc gặp "sự cố nghề nghiệp". Chị Mai tuổi trung niên từng cào ốc hơn 10 năm nay, đồng môn với bà Năm Móm kể, chưa ai "tử vì nghiệp" bởi nghề này nhưng phát bệnh thì có. Chuyện đạp miểng chai, vỏ ốc… là thường. Chị Mai đưa vết sẹo lồi to ở dưới gót chân là "vết tích" cách đây 5 năm, khi giẫm phải mảnh chai rượu dưới lòng biển. Chị Mai bảo: Nhiều hôm trời rét đi cào chúng tôi phải uống cả rượu cho ấm người.

Chị Mai kể tiếp về những cô bé Hoa, Lanh cùng làng với chị, mới 15-16 tuổi đi cào nhiễm bệnh phụ khoa, phải chữa trị tốn cả bạc triệu vẫn không khỏi, lại đang lo ảnh hưởng "đường con cái" sau này. Rồi giọng chị Mai chùng xuống, chẳng ai giàu bằng nghề này, nhưng cũng kiếm thêm được chút tiền đóng học phí, mua sách vở cho con, "bỏ uổng lắm".

Nghiệp đoàn… cào ốc

Những người cào ốc tuy chỉ làm theo thời vụ nhưng họ có hẳn một "nghiệp đoàn". Ông Lợi, ngư dân vùng biển Cửa Đại cho biết, họ chia theo từng nhóm, mỗi nhóm chừng 5-6 người, nhà ở gần nhau. Khu vực cào cũng được thỏa thuận phân chia bằng miệng - của nhóm nào nhóm đó cào. Những người phụ nữ gặp nhau hàng ngày trên bãi biển ấy nương tựa vào nhau cùng kiếm ăn.

Chị nào trong nhóm cần tiền, chị em trong nhóm có thể "cho mượn" ốc cào được trong ngày để bán. Lúc nào có tiền thì trả tiền, không thì trả bằng ốc cũng chẳng sao. Vì quan niệm ốc là "lộc của biển" nên các chị cũng tổ chức một buổi cúng biển vào đầu mùa ốc, gọi là để "tạ ơn" biển. Hết mùa ốc thì sang cào hến, nghêu, rỗi cá, đan lưới kiếm sống.

Ốc vào phố thị

Chị Đại, một người chuyên thu mua ốc sống để bán ở Tam Kỳ, Đà Nẵng bảo: Ốc mua ở biển giá 3.000-4.000 đồng/lon, về nhà nấu lại, thêm gia vị vào bán lại 5.000-6.000 đồng/lon. Nhiều khi phải ra tận biển ở Huế mua ốc về. Ốc ở các vùng biển ấy có nhiều, nhưng nhỏ con, ít béo nên người ăn không thích bằng ốc ở vùng biển Quảng Nam.

Những ngày vào mùa ốc ruốc, đi chợ, thậm chí vào công sở dễ thấy cảnh các bà các chị, váy xanh đỏ, môi son rạng rỡ túm tụm lể ốc. Chị Nhung, một giáo viên ở Đà Nẵng tâm tư: 6.000 đồng một lon ốc, đắt gấp mấy lần gạo nhưng vẫn cứ thích lể - nó là cái thú. Vả lại hết mùa có muốn cũng chẳng có mà ăn. Chị kể vui: "Năm trước ông xã tui bỏ thuốc lá. Cứ mua sẵn ốc để đấy, lúc nhạt mồm là lể ốc. Vậy mà hết mùa ổng cũng bỏ được thuốc".

Người không lể ốc nhưng mê ốc - ông Lữ Ngọc Năm (53/K10, Phan Chu Trinh, Hội An) - cứ tới mùa ông lại lọ mọ vác về hàng bao tải vỏ ốc để ghép tranh. Có những bức du khách trả tiền triệu để mua.

Theo Khánh Thủy/báo Sài Gòn Tiếp Thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.