Nghiên cứu xây dựng từ cách đây 20 năm nhưng phải đến 2016, Bộ GTVT mới rà soát lại tổng thể và phân kỳ theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, làm đoạn cấp bách trước. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, đánh giá việc đầu tư xây dựng cao tốc bắc - nam giai đoạn 1 là vô cùng bức thiết.
tin liên quan
Cao tốc bắc - nam: Khó về đích đúng hẹn “Chính giao thông chưa thuận lợi khiến chi phí logistics của VN rất cao, hàng hóa bị đội giá, kém cạnh tranh. Việc hoàn thành tuyến cao tốc bắc - nam sẽ giúp giảm thời gian lưu thông, giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy kinh tế phát triển”, ông Thanh nói.
Đồng tình, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, khẳng định để phát triển kinh tế, đầu tiên phải chú trọng cơ sở hạ tầng mà quan trọng nhất chính là giao thông. Hàng hóa muốn có giá trị phải từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Trong nhiều loại hình giao thông, đường bộ vẫn là mạng lưới giao thông chủ đạo, cơ động, thiết thực và nhanh nhất, không phải qua trung chuyển như hàng không, đường thủy hay đường sắt.
Với địa hình trải dài như VN, tuyến đường bộ bắc - nam chính là động mạch của nền kinh tế. Xã hội càng phát triển, hạ tầng giao thông cũng càng phải nâng lên đáp ứng đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, con người.
Chỉ một tuyến đường quốc lộ 1 không thể “kham” nổi mà cần một chùm đường vừa song song, vừa giao cắt. Theo ông Nguyên, trong thời đại cách mạng 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay, tốc độ vận tải càng nhanh thì kích hoạt kinh tế phát triển càng nhanh. Vì thế đường cao tốc bắc - nam ít giao cắt, tốc độ lưu thông lên tới 90 km/giờ là một trong những đòn bẩy mạnh mẽ tạo đột phá phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội.
Tuy nhiên vị chuyên gia quy hoạch đô thị này lưu ý cũng như xây một ngôi nhà, chưa hoàn thiện thì chưa thể sử dụng, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Xây dựng tuyến cao tốc bắc - nam cũng vậy, phải làm nhịp nhàng, khoa học, từ đoạn này nối liền với đoạn kia. Chỉ vài tuyến Hà Nội - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đồng Nai - TP.HCM đơn lẻ, ngắt quãng không những nguy cơ mới làm đã ùn tắc, kéo lùi tốc độ phát triển kinh tế mà còn làm tăng sử dụng ngân sách.
Chưa kể thời gian càng lâu, nguy cơ đội vốn càng cao, đây là bài học đã được chỉ ra ở hầu hết các dự án giao thông đã làm. “Giao thông là cái đầu tiên và đi trước. Không có giao thông thì kinh tế các vùng cũng nằm yên, không chuyển động. Cần nhanh chóng có cơ chế để thu hút đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc bắc - nam, trong trường hợp ngân sách hạn hẹp, có thể cân nhắc tinh giản những cái khác để tập trung phát triển giao thông”, ông Nguyên đề xuất.
Bình luận (0)