Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn tiếp tục hư hỏng

Vũ Hân
Vũ Hân
07/10/2020 18:17 GMT+7

Ngay khi đưa vào khai thác, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hư hỏng, từ năm 2018 đến nay lại tiếp tục phát hiện thêm khoảng 2.691,06 m 2 hư hỏng cục bộ mặt đường, theo báo cáo của Chính phủ.

Hư hỏng thêm chưa được khắc phục do là hiện trường điều tra

Tại báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa 14 và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa 13 về lĩnh vực giao thông vận tải gửi đến Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo nội dung liên quan đến việc Dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống cấp trầm trọng. Báo cáo do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền ký.
Đây là dự án xuống cấp ngay từ khi đưa vào khai thác tạm thời. Bộ Công an đã khởi tố 14 bị can liên quan đến dự án này.

Đầu tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa sửa chữa đã có dấu hiệu hư hỏng vào tháng 11.2019

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài là 139,2 km, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, gồm 2 đoạn tuyến: đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (Km0 - Km65), sử dụng vốn vay ODA của JICA (Nhật Bản) và đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi (Km65 - Km139+204), sử dụng vốn vay thương mại của Ngân hàng thế giới.
Dự án được khởi công tháng 5.2013; đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ hoàn thành các hạng mục trên chính tuyến và đưa vào khai thác tạm từ tháng 8.2017; đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi hoàn thành các hạng mục trên chính tuyến và đưa vào khai thác tạm từ tháng 9.2018.
Hiện tại, dự án chưa hoàn thành toàn bộ, khối lượng dự án mới đạt 96,1% tổng giá trị các hợp đồng, còn một số nhánh nút giao, một số đường gom, đường ngang dân sinh và một số đoạn hàng rào bảo vệ chưa hoàn thành do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, người dân địa phương cản trở thi công, các bất cập trong vấn đề tổ chức nhân sự và chỉ đạo điều hành của VEC và vướng mắc về nguồn vốn để triển khai tiếp các khối lượng còn lại.
Dù chưa hoàn thành, nhưng dự án vẫn được tạm đưa vào khai thác, chính thức thông tuyến vào ngày 2.9.2018. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó đã xuất hiện một số hư hỏng cục bộ mặt đường với diện khoảng 89,10 m2/3,1 triệu m2 tổng diện tích mặt đường (chiếm khoảng 0,003%).
Các hư hỏng này đã được Bộ GTVT chỉ đạo VEC, các nhà thầu liên quan sửa chữa, khắc phục ngay trong năm 2018, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, tiếp tục phát hiện thêm khoảng 2.691,06 m2 hư hỏng cục bộ mặt đường như bong bật cục bộ lớp bê tông nhựa tạo thành ổ gà; mặt đường không êm thuận, bị hằn lún và trồi nhựa cục bộ...
Theo Bộ GTVT, việc sửa chữa, khắc phục thuộc trách nhiệm của các nhà thầu bằng kinh phí bảo hành công trình của nhà thầu theo quy định của hợp đồng và quy định tại Nghị định 46/2015. Dù vậy, các hư hỏng mới được VEC chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác khắc phục tạm thời. Việc sửa chữa chính thức chưa được VEC tổ chức thực hiện, do dự án thuộc hiện trường vụ án điều tra.
Cũng theo báo cáo này, VEC chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tại Văn bản số 4516/C03-P13 này 13.9.2019, gồm thống kê chi tiết, mô tả tình hình, ghi hình trước, trong và sau khi sửa chữa, ghi nhận quá trình hư hỏng, sửa chữa với sự tham gia của cơ quan chức năng, đánh giá nguyên nhân hư hỏng, nghiệm thu sau khi sửa chữa...

Đến nay vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng

Báo cáo cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc, có việc vẫn tồn tại đến nay.
Thứ nhất là về giải phóng mặt bằng. Do dự án đi qua 3 tỉnh, thành gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi (12 huyện, 43 xã) với tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.127 ha, tổng số hộ bị ảnh hưởng 18.005 hộ, số hộ phải bố trí tái định cư khoảng 2.110 hộ, phải di dời 23 vị trí đường điện cao thế 110 kV, 220 kV và 500 kV, nên việc giải phóng mặt bằng dự án kéo dài.
Dự án khởi công từ tháng 5.2013 nhưng cuối 2014, mặt bằng mới bàn giao được 108,5 km/139 km (77%) chủ yếu là đất nông nghiệp. Đến cuối năm 2015 còn vướng 74 vị trí gồm 604 hộ dân, 23 vị trí di dời đường điện cao thế và một số công trình công cộng chưa di dời.
Đến cuối 2016 còn vướng 101 hộ dân chưa được di dời. Đến tháng 6.2017 (trước thời điểm thông xe 2 tháng) Quảng Nam mới bảo vệ thi công bàn giao được 3 điểm vướng mặt bằng tại gói thầu số 6 (2 điểm) và gói thầu số 7 (1 điểm) trên tuyến chính để nhà thầu thi công hoàn thiện nền, móng mặt đường.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, người dân địa phương thường xuyên cản trở thi công, khiếu nại về đơn giá đền bù, yêu cầu đền bù ảnh hưởng đến nứt nhà, ảnh hưởng đến canh tác... Dự án đã thông xe đưa vào khai thác trên toàn tuyến từ ngày 2.9.2018 nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng như đã nêu ở trên.
Về nguồn vốn cũng gặp vướng mắc. Thời hạn đóng hiệp định vay vốn của JICA vào năm 2024; tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, dự án chưa được bố trí kế hoạch vốn theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12.11.2018 của Quốc hội và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15.7.2019 của Chính phủ.
Các hiệp định vay vốn của Ngân hàng thế giới cho dự án đã hết hiệu lực từ 29.4.2019 nên thiếu vốn để thi công các khối lượng còn lại (khoảng 235 tỉ đồng theo báo cáo của VEC) và thanh toán cho các khối lượng đã thực hiện (981 tỉ đồng).
Do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư như đã nêu ở trên nên các khối lượng công việc còn lại  như vuốt nối nhánh nút giao Túy Loan, Hà Lam, Tam Kỳ, Bắc Quảng Ngãi; thi công các nhánh nút giao Dung Quất, đường gom dân sinh, hàng rào... vẫn chưa được VEC triển khai thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.