Sự bức xúc là dễ hiểu, vì nếu có nhu cầu vệ sinh thì người đi trên xe không biết phải xử lý thế nào. Nếu dừng lại trên cao tốc để "giải quyết nỗi buồn" thì sau đó lại chịu "nỗi buồn" lớn hơn là bị phạt số tiền không nhỏ thông qua hệ thống camera giám sát chặt chẽ. Còn nếu "ráng nhịn" thì việc kéo dài có thể hơn 1 giờ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần, điều này thực sự nguy hiểm đối với các tài xế đang điều khiển xe di chuyển tốc độ cao trên đường.
Thế nhưng, vấn đề thiếu các trạm dừng bài bản không chỉ tồn tại ở tuyến cao tốc trên. Như Thanh Niên phản ánh ngày 7.1, trạm dừng tạm thời của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng rất nhếch nhác khi nhà vệ sinh tạm bốc mùi hôi thối, rác ngập tràn mà không thấy ai dọn dẹp. Trong khi đó, tuyến cao tốc này cũng đã thông xe từ tháng 5.2023 chứ không phải mới đây.
Thời gian qua, VN đã có bước đột phá mạnh mẽ về hạ tầng giao thông khi hàng loạt tuyến cao tốc đi vào hoạt động để góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những điểm khuyết của hạ tầng cao tốc thực tế vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Điều này thực sự không ổn, bởi các dự án cao tốc luôn được lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Trong khi đó, nhìn lại các cao tốc như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hay TP.HCM - Trung Lương, các trạm dừng nghỉ trên những tuyến này đều luôn đông khách đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ. Nếu hệ thống trạm dừng nghỉ được tổ chức chuyên nghiệp, phổ biến rộng rãi trên khắp hàng ngàn ki lô mét cao tốc cả nước thì sẽ tạo ra nguồn thu lớn. Nhìn sang nhiều quốc gia, hệ thống trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc trở thành một lĩnh vực kinh doanh có giá trị cao. Thậm chí, như người viết từng trải nghiệm trên các tuyến cao tốc ở Mỹ, nhiều cụm trạm dừng nghỉ vận hành như một tổ hợp kinh doanh "muốn gì cũng có", trở thành nơi quảng bá sản vật địa phương.
Chính vì thế, không chỉ sớm hoàn thiện mà nên có cả một chiến lược phát triển hệ thống trạm dừng. Với hiệu quả kinh tế rõ ràng, việc phát triển trạm dừng hoàn toàn có thể xã hội hóa mà không lo ngại nguồn vốn.
Hệ thống trạm dừng cần được phát triển theo định hướng không đơn thuần là trạm dừng chân mà còn là điểm giữ chân du khách, song hành sự phát triển của du lịch. Kế hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ cần đồng bộ với các dự án cao tốc, đừng để như tình trạng thời gian qua dường như cao tốc được nhìn nhận đơn thuần như một con đường rộng hơn, đi nhanh hơn.
Có như thế, mỗi tuyến cao tốc đi vào hoạt động thì không chỉ giúp kết nối các địa phương, tăng tốc độ di chuyển mà còn là một hệ sinh thái kinh doanh, dịch vụ nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh tế của hệ thống cao tốc đang được VN thúc đẩy mạnh mẽ.
Bình luận (0)