Cao tốc nối Bắc- Nam một dải xương sống đất nước

Hoàng Phương
Hoàng Phương
01/11/2023 14:19 GMT+7

Những cung đường cao tốc xuyên núi, xuyên rừng, dọc bờ biển hay băng qua những vùng đất khô cằn của đất nước đang dần hiện ra, nối liền một dải Nam - Bắc, nối cả niềm tin và khát vọng của người dân VN từ mũi Cà Mau tới địa đầu phía bắc của Tổ quốc.

Kéo "khúc ruột" miền Trung gần với thủ đô

Tờ mờ sáng 1.9.2023, những chiếc xe đầu tiên đã chờ đợi để lăn bánh trên cao tốc Bắc - Nam đoạn giáp Thanh Hóa vào Nghệ An, bắt đầu kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9. "Chúng tôi ao ước có tuyến cao tốc này lâu lắm rồi. Giờ giấc mơ đã thành hiện thực. Từ nay, con cháu đi học tập, làm ăn ngoài Hà Nội dễ dàng hơn, mà chúng tôi cũng có thể đi thăm nhiều hơn nữa. Nếu trước đây phải lọ mọ đi đêm đi hôm cho ít xe, sáng hôm sau ra tới nơi thì nay sáng đi là trưa đã có mặt rồi. Đường to, đẹp, phấn khởi lắm", ông Trần Toán Quản (ở Diễn Châu, Nghệ An) không giấu nổi xúc động trong ngày 2 đoạn cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu qua địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An chính thức được đưa vào khai thác. Hai tuyến cao tốc thông xe đúng dịp lễ Quốc khánh 2.9, càng khiến niềm hạnh phúc của những người dân nơi đây được nhân lên nhiều lần.

Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay - Ảnh 1.

Cao tốc Mai Sơn - QL45 đoạn Thanh Hóa đi Ninh Bình

NGỌC THẮNG

Với đặc trưng địa hình kéo dài, hẹp ngang lại liên tục bị chia cắt bởi đồi núi xen kẽ đồng bằng, cùng đặc điểm thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhiều bão lũ khiến mạng lưới giao thông khu vực miền Trung còn nhiều hạn chế và khó khăn. Giờ đường đã mở, lộ đã thông. Thay vì mất 5 - 5 tiếng rưỡi để về tới Nghệ An như trước đây, toàn tuyến cao tốc từ Pháp Vân (Hà Nội) tới Nghệ An đã được hoàn thiện dài 251 km, rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Diễn Châu - Nghệ An chỉ còn khoảng từ 3 - 3 tiếng rưỡi. 

Chưa nói về giá trị kinh tế, việc "khúc ruột" miền Trung được kéo gần hơn về thủ đô đã đủ khiến người dân nơi đây hạnh phúc ngập tràn. Trong 5 năm tới khi thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến TP.Cần Thơ, các tỉnh miền Trung sẽ có thêm khoảng 700 km đường cao tốc, tạo nên một "cuộc cách mạng" cho cả hạ tầng cũng như kinh tế - xã hội của khu vực. 

Dù là tuyến cao tốc chạy theo trục dọc nhưng cao tốc Bắc - Nam có tác động rất mạnh tới tính kết nối của mạng lưới giao thông miền Trung theo chiều ngang Đông - Tây. Đơn cử như với tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu, sau khi đi qua cầu vượt hồ Yên Mỹ, đến nút giao Nghi Sơn - Bãi Trành, các phương tiện có thể xuống tại nút giao lưu thông trên đường Nghi Sơn - Bãi Trành về hướng đông để xuống Khu kinh tế Nghi Sơn - nơi có nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và hệ thống cảng biển logistics.

Cũng nằm trên trục cao tốc này, tuyến Mai Sơn - QL45 thông xe đợt 30.4 trước đó đã nối dài toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Cầu Giẽ - Ninh Bình - Thanh Hóa, rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội về Thanh Hóa chỉ còn hơn 2 tiếng cho quãng đường 160 km. Từ QL45, người dân cũng có thể xuống khu du lịch biển nổi tiếng Sầm Sơn hay đến bờ biển Tiên Trang còn đậm chất làng chài ở huyện Quảng Xương. Đoạn tuyến cao tốc phía đông đi qua những khu vực hoàn toàn mới chưa được khai phá, với bạt ngàn đồi trồng dứa của người dân địa phương, quanh co uốn lượn đẹp mắt. Hết kỳ nghỉ lễ 2.9, gia đình anh Thanh Điền từ Thanh Hóa quay lại Hà Nội làm việc. Kể từ khi tuyến cao tốc thành hình, gia đình anh năng về quê hẳn. Xuất phát từ sáng, anh đi từ Thanh Hóa ra Ninh Bình hơn 70 km chỉ hết 40 phút trên cao tốc Mai Sơn - QL45. "Đường rất thoáng và đẹp, điều đặc biệt là được thả hồn với dải lụa vắt ngang trên những ngọn núi trùng điệp rất khoan khoái", anh Điền vui vẻ chia sẻ.

Khu vực phía bắc vốn đi đầu về hạ tầng giao thông sau khi đã nhanh chóng hình thành nên chuỗi giao thông trọng điểm liên vùng kết nối 3 trung tâm kinh tế - chính trị, lớn là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thì nay đang tiếp tục vươn tới các tỉnh, thành miền Trung để từ đây, nối liền dải Bắc - Nam sum họp.

"Cà Mau xa lắm... đã hóa gần"

Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay - Ảnh 2.

Đó là câu nói vui của TS Trần Hữu Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, từ một bài hát nổi tiếng khi các dự án cao tốc đang nối liền các tỉnh phía nam nói riêng và cả nước nói chung thành một dải. "Nhiều địa phương như Đồng Tháp "khuất nẻo", Cà Mau "xa lắm" bỗng hóa gần. Các cầu lớn vượt sông sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch và nhiều cơ sở, làng du lịch mọc lên. Cao tốc là cú hích để các công ty du lịch lữ hành thiết kế lại tour, để du khách thêm nhiều lựa chọn tour tuyến, điểm đến và để các tỉnh thành ĐBSCL cùng TP.HCM vẽ lại bản đồ du lịch", ông Hiệp nhận định.

Điều đó đã thành hiện thực ngay sau khi các dự án được đưa vào sử dụng. Từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây rẽ vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới khánh thành dịp 30.4 - 1.5, nhóm bạn của anh Trần Khang (TP.HCM) hào hứng khi nhìn xuyên qua những khu vực trồng thanh long, nương rẫy của người dân "miền cát trắng". Thay vì chạy thẳng hướng về

Bà Rịa-Vũng Tàu rồi nhích từng chút trên tuyến cao tốc 4 làn xe thường xuyên ùn ứ, lần nghỉ lễ này, hội những "anh hai Sài Gòn" mê du lịch carnival (tự lái xe nhà đi du lịch) chuyển hướng về Mũi Né - Bình Thuận.

"Đã 7 năm rồi tôi không quay lại Mũi Né vì trước đây đường đó kẹt, từ TP.HCM đi cũng phải mất 4 tiếng, giờ có cao tốc rồi thì vèo cái là tới, chạy thẳng Phan Thiết chỉ khoảng 2 tiếng rưỡi. Lần đầu tiên chúng tôi rời nhà lúc 7 giờ sáng mà khoảng hơn 9 giờ đã đến Phan Thiết. Cao tốc quá lợi hại!", anh Trần Khang nói.

Theo hành trình của anh Trần Khang, đi thẳng từ Bình Thuận sẽ vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km, mới khánh thành ngày 19.5. Tuyến đường chạy qua 4 huyện của tỉnh Bình Thuận, qua những đồi cát tiếp nối, trải dài hai bên như đi giữa sa mạc. Hết cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng là tới huyện Tuy Phong (Bình Thuận), nơi nổi tiếng với biển Cổ Thạch được ví như chốn bồng lai tiên cảnh, cùng cánh đồng quạt gió đầu tiên ở VN. Chỉ còn chờ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78 km hoàn thành là tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Nha Trang vào TP.HCM sẽ được nối liền một mạch. Khi đó, thay vì phải rẽ vào QL1, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ nối tiếp Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nhập vào đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã hoàn thành, kéo hành trình từ TP.HCM đến Phan Rang thành một trục cao tốc đi qua 5 tuyến, chỉ mất 4 - 5 giờ chạy xe. Trước đây, nếu chạy ô tô đi quãng đường dài khoảng 430 km này thì sẽ phải mất khoảng 10 giờ nên phương tiện phổ biến được lựa chọn là máy bay hoặc tàu hỏa để tránh kẹt xe.

"Thay vì bỏ ra số tiền đắt đỏ mua vé máy bay rồi có khi phải vật vã chờ đợi tại sân bay vì delay, các gia đình có thể chọn hành trình: 7 giờ ăn sáng tại TP.HCM, vừa chạy xe, vừa ngắm cảnh, thỉnh thoảng dừng lại ở tỉnh nào đó "check-in" và có mặt tại Nha Trang ngập nắng vào đúng giờ ăn trưa. Một hành trình du lịch hoàn hảo", đại diện một công ty lữ hành ở TP.HCM nhận xét.

Hướng về miền Tây, bà con vùng ĐBSCL cũng đang ngày ngày trông ngóng nối liền dải cao tốc về TP.HCM. Gần 20 năm trước, cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước được bắt đầu xây dựng để nối TP.HCM về các tỉnh miền Tây Nam bộ. Thế nhưng, dù nhu cầu giao thương và du lịch tăng "chóng mặt" nhưng phải tới tháng 4.2022, cánh tay nối dài của cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận mới được đưa vào khai thác. Cũng vì quá muộn nên tác động giảm tải cho QL1, rút ngắn gần nửa thời gian TP.HCM đi Mỹ Thuận cũng không được khai thác hiệu quả. Giao thông khó khăn khiến ĐBSCL dù sở hữu đầy đủ tiềm năng trở thành thủ phủ du lịch của cả nước nhưng mãi vẫn ì ạch, không cách nào liên kết được với trung tâm trung chuyển hành khách là TP.HCM.

Thế nhưng, bức tranh đang dần thay đổi theo từng nhịp nối của cao tốc Bắc - Nam. Các tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã, đang và sẽ tiếp tục được nâng cấp, xây dựng mới để tạo ra đột phá cho du lịch và kinh tế toàn vùng ĐBSCL. Trong đó, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là trục ngang chiến lược, mở cánh cửa phía tây sang Campuchia, cửa ngõ ra Biển Đông nối với "siêu cảng" biển nước sâu Trần Đề trong tương lai. Tuyến cao tốc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kết nối các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ, liên kết các tiểu vùng bán đảo Cà Mau, tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và kết nối với Đồng Tháp Mười là các tiểu vùng có nhiều tài nguyên du lịch đặc thù.

Giấc mơ "tối lên tàu ở TP.HCM, sáng có mặt ở Hà Nội"

Giấc mơ nói trên của chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch và nhiều người dân đang được hiện thực hóa khi Bộ Chính trị yêu cầu Bộ GTVT trình đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm nay. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 gồm đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang và hoàn thành toàn tuyến trước 2045. Như vậy sau 18 năm với rất nhiều thay đổi về phương án tốc độ, tổng vốn đầu tư, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được hiện thực hóa.

Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay - Ảnh 3.

NHẬT BẮC

Cao tốc Bắc - Nam là cuộc cải cách lớn của VN

Việc tổ chức xây dựng hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đã đạt những thành công bước đầu, thể hiện rất rõ 3 yếu tố đặc biệt xuất sắc: Thứ nhất là nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của hệ thống cao tốc liên thông cả nước. Kết nối với thế giới tốt được hay không, đầu tiên phải có kết nối trong nước tốt. Mạng lưới cao tốc là thiết yếu. Thứ hai là khả năng huy động nguồn lực, chúng ta đã biến những khó khăn từ dịch bệnh trở thành thuận lợi để tổng hợp được nguồn lực giải bài toán vốn cho mạng lưới đường cao tốc. Thứ ba là cuộc cải cách lớn về thủ tục khi đã dám bỏ những thủ tục cũ, thoát ra khỏi những quy định cũ, dám chỉ định thầu, làm nhanh, các doanh nghiệp cũng chung tay với ý thức trách nhiệm rất cao. Đây là sự thay đổi mạnh mẽ cả về ý chí, nhận thức cũng như nỗ lực quản lý, huy động nguồn lực.

PGS-TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore)

Ủng hộ chủ trương "bứt tốc đường bộ nhưng không quên ưu tiên đường sắt", TS Trần Du Lịch phân tích: Với tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa như hiện nay, đường bộ không thể đảm nhận hết nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Đặc biệt là khu vực ĐBSCL, nếu có cao tốc vẫn sẽ tiếp tục quá tải. Chỉ có đường sắt mới giải quyết được bởi đường sắt là phương thức thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa, vận chuyển hành khách, giảm tải cho đường bộ và nếu làm tốt có thể đủ sức hỗ trợ đường không. 

Đó là lý do từ năm 2011, khi còn là đại biểu Quốc hội, ông đã đề xuất cần có ý chí chính trị để đến năm 2025, VN có 2 tuyến đường sắt như tuyến đường sắt cao tốc Gyeongbu (Gyeongbu HSR) giữa Seoul và Busan. Đây là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Hàn Quốc giải quyết tình trạng quá tải hành lang giao thông chính Seoul - Busan vào năm 1995. Với một đất nước có chiều dài như VN, tuyến đường sắt cao tốc xuyên quốc gia sẽ hình thành trục giao thông khối lượng lớn dễ dàng kết nối các cực kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Theo TS Trần Du Lịch, bao năm qua, hình ảnh đường sắt VN chỉ còn là sự nuối tiếc quá khứ huy hoàng. Song, với một đất nước trải dài từ Bắc vào Nam gần 2.000 km, đường sắt vẫn đóng vai trò quan trọng, là huyết mạch giao thông quốc gia. Làm đường cao tốc, mở cửa ngõ thông qua cảng biển là cần thiết, nhưng làm bao nhiêu cũng sẽ quá sức. Việc xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ giải quyết áp lực hạ tầng giao thông, vừa nhanh vừa tiết kiệm.

"Tôi chỉ mơ có đôi đường sắt nối Sài Gòn - Hà Nội tốc độ khoảng 160 km/giờ, lên tàu từ TP.HCM tối ngủ, sáng có mặt ở Hà Nội. Nếu chúng ta quyết tâm làm việc này từ 10 năm trước, để đến năm 2025 có tuyến đường sắt cao tốc chào mừng 50 năm thống nhất đất nước thì vấn đề quá tải hạ tầng ở phía nam đã không trầm trọng như hiện nay. Tuy vậy, muộn còn hơn không. Đây là dự án có tính chất bản lề, là trục xương sống trên tuyến hành lang quan trọng bậc nhất cả nước. Từ đó, hệ thống đường sắt sẽ kết nối các tỉnh, cảng biển, sân bay… giúp vận tải hàng hóa, hành khách được thông suốt", TS Trần Du Lịch chỉ rõ.

Kích hoạt các mạch máu kinh tế

Cao tốc Bắc - Nam là tuyến huyết mạch quan trọng nên dù kinh phí tốn kém, đắt đỏ cũng phải cố gắng ưu tiên để đảm bảo sớm hoàn thành. Con đường thông suốt trên trục dọc của đất nước sẽ đảm bảo chất lượng vận tải hàng hóa cũng như vận tải hành khách, bao gồm chất lượng và tiện nghi từ Bắc đến Nam. Chất lượng vận tải được cải thiện sẽ giúp cho hàng hóa đỡ hư hỏng, bớt hao hụt, kéo giảm giá thành hàng hóa; tiện nghi đi lại nâng cao sẽ đảm bảo sức khỏe, sự vui tươi của người dân khi đi dọc tuyến. Quan trọng hơn, tuyến cao tốc Bắc - Nam còn thúc đẩy các đô thị thuộc các tỉnh, thành dọc tuyến phát triển; mở ra các đường xương cá để từ đó các địa phương phát triển theo trục ngang. Tất cả các TP, đô thị dù không nằm trên trục cao tốc nhưng vẫn có thể được kết nối để thuận tiện cho việc đi lại. Các "mạch máu" sẽ được kích hoạt, tạo sức bật đột phá kinh tế cả nước.

Kỹ sư Vũ Đức Thắng, chuyên gia quy hoạch, thiết kế, xây dựng giao thông đô thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.