Ùn ứ, kẹt xe ở nút giao Ba Bàu
"Bất cập hay có thể nói là lỗi thiết kế", đó là nhận xét của nhiều người dân địa phương về nút giao Ba Bàu (Hàm Kiệm, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), điểm giao nhau giữa 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Bi hài CSGT phải lùa bò trên cao tốc
Tại nút giao này liên tục xảy ra kẹt xe vào các ngày cuối tuần do cả hai tuyến cao tốc sử dụng chung đường đấu nối dài khoảng 1 km ra QL1 (xã Hàm Kiệm, H.Hàm Thuận Nam) và ngược lại. Lưu thông trên cao tốc thì thông thoáng nhưng phương tiện đến nút giao Ba Bàu lại kẹt cứng, di chuyển chậm, nếu trời mưa có khi mất 45-50 phút mới ra khỏi nút giao này.
Có mặt tại nút giao Ba Bàu trưa 15.7, PV Thanh Niên ghi nhận lượng xe từ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ra QL1 để vào TP.Phan Thiết nối đuôi nhau "bò" chậm chạp.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận, đoạn nút giao Ba Bàu là đầu ra, đầu vào của cả hai tuyến cao tốc nên lúc nào cũng đông xe. Ngoài ra, nút giao này được thiết kế xung đột nhau. Thay vì đầu ra đi riêng, đầu vào đi riêng, thì đầu ra - đầu vào lại đi chéo nhau. Khi đông xe ra vào cao tốc, lại không có đèn giao thông, nên phương tiện lưu thông loạn xạ. Đó là chưa kể khi xe ra đến QL1 lại xung đột với lượng phương tiện từ QL1 vào cao tốc khiến tình trạng ùn tắc càng thêm trầm trọng hơn.
Chưa hết, phương tiện đi ra Vĩnh Hảo, Phan Rang (Ninh Thuận) lẫn về Đồng Nai, TP.HCM đều phải sử dụng nút giao này. "Do thiết kế đường giao xung đột với nhau nên rất dễ gây ra ùn ứ ngày cuối tuần. Đặc biệt, trời mưa là kẹt cứng không chạy được", một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận nói. Cũng theo vị lãnh đạo này, giải pháp duy nhất, hiệu quả lúc này là xây cầu vượt để "đường ai nấy đi" mới giải quyết được tình trạng ùn ứ.
Nhếch nhác thi công, không có trạm dừng chân
Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi vào hoạt động gần 3 tháng nay (vận hành từ ngày 28.4), còn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vận hành ngày 19.5 nhưng hiện việc thi công các gói thầu phụ vẫn chưa hoàn chỉnh. Dù trên tuyến chính xe đã chạy nhưng hai bên đường gom dân sinh, các đơn vị thi công vẫn đang làm việc với số lượng công nhân ít ỏi. Thậm chí công nhân của những đơn vị này vẫn thản nhiên chạy xe máy ngược chiều trên cao tốc. Một số đoạn hàng rào an toàn của cao tốc được mở ra để công nhân ra vào nhưng khi hết sử dụng không rào lại. Điều này rất nguy hiểm, dễ xuất hiện tình trạng gia súc thả rông chạy vào cao tốc như thời gian qua từng xảy ra ở đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Chưa hết, tại các khu núi đá hai bên đường (gần nút giao ra Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Xuân Lộc), công nhân vẫn khoan núi đá rầm rộ. Ven đường, máy nổ, máy phát điện hoạt động và công nhân đang trồng trụ làm hành lang an toàn, xây mương thoát nước, đất đá rơi vãi ven đường trông rất mất mỹ quan.
Xem nhanh 12h ngày 19.7: Bản tin thời sự toàn cảnh
Quá nguy hiểm
Thường xuyên đi trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông M.H.Q (52 tuổi, ngụ Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết rất nhiều lần chứng kiến chó, mèo băng ngang qua đường và bị ô tô tông trúng. "Trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có nhiều nơi hai bên đường chỉ rào bằng kẽm gai thay vì lưới B40 như một số tuyến cao tốc khác. Chẳng hạn như đoạn qua địa bàn H.Xuân Lộc (Đồng Nai) có rất nhiều nơi chỉ rào bằng kẽm gai. Ngày 15.7, tôi đi Phan Thiết, khi vừa vào cao tốc thì gặp con chó băng ngang qua đường. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đánh lái sang phải để tránh, may mắn là phía sau không có xe nào chứ không thì hết sức nguy hiểm", ông Q. phản ánh.
Mới đây người dân gửi cho PV Thanh Niên đoạn clip ghi hình ảnh CSGT phải dừng xe đặc chủng giữa đường để cùng người điều khiển ô tô "lùa" đàn bò vào lề đường khi chúng đi lạc vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Hôm qua (16.7), PV Thanh Niên liên lạc với lãnh đạo ban quản lý 2 tuyến cao tốc nói trên để hỏi về việc vì sao không rào bằng lưới B40 cho an toàn nhưng không ai bắt máy.
Đáng chú ý, trên toàn 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây dài tổng cộng 200 km nhưng không có bất cứ trạm dừng chân nào. Chủ một doanh nghiệp trúng gói thầu làm trạm dừng chân tại vị trí H.Hàm Tân (Bình Thuận) cho biết đến nay chủ đầu tư vẫn chưa xác định chính xác vị trí làm trạm dừng chân. Bản thiết kế trạm dừng nghỉ này vẫn chưa được duyệt và chưa biết thời điểm nào mới xong thủ tục. Do vậy, tình trạng xe khách, xe con dừng ven đường cao tốc để "giải quyết" vệ sinh rất nhiều, càng khiến mỹ quan đường cao tốc xấu đi. Đã xảy ra trường hợp một số xe hết nhiên liệu phải gọi xe cứu hộ mang xăng, dầu vào cao tốc "cấp cứu" do cả 2 tuyến không có trạm xăng.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thừa nhận không thể làm tuyến đường gom dân sinh (dài khoảng 175 km) song song với cao tốc kịp tiến độ mà Bộ GTVT đề ra. Theo ông Huy, hiện nay mới chỉ hoàn thành trải nhựa được khoảng 50 km đường dân sinh, trải đá được khoảng 70% quãng đường còn lại và không biết bao giờ mới hoàn chỉnh để người dân đi lại sản xuất nông nghiệp.
Bình luận (0)