Cấp bách phòng chống đuối nước: Đặc biệt ở đối tượng trẻ em

24/05/2023 05:32 GMT+7

VN là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước đứng hàng đầu thế giới, cao hơn nhiều nước trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

NHỮNG CON SỐ ĐAU LÒNG

Với vị trí địa lý nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, VN có đường bờ biển dài hơn 3.200 km, có trên 2.300 sông, kênh, rạch và một số lượng lớn suối, ao, hồ… tạo nên điều kiện tự nhiên lý tưởng, nhưng cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước cho trẻ em. Tại VN, tỷ lệ dân số biết bơi rất thấp. Thực trạng nhiều người bị tử vong do đuối nước luôn đáng quan ngại, đặc biệt ở đối tượng trẻ em.

Cấp bách phòng chống đuối nước - Ảnh 1.

Học bơi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

NGỌC THẮNG

Cấp bách phòng chống đuối nước - Ảnh 2.
Bơi ở bể bơi di động cũng là giải pháp tốt ở các địa phương không có đất để xây bể bơi

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, VN là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước đứng hàng đầu thế giới, cao hơn nhiều nước trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Hiện nay, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Trong đó, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao là từ 1 - 14 tuổi và sống ở vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn, các tỉnh miền núi, địa phương có nhiều sông suối, ao hồ.

“Tiểu tiên cá” Ánh Viên chỉ cách xử trí khi gặp người đuối nước

Vụ phó Vụ TDTT quần chúng Tổng cục TDTT Nguyễn Thị Chiên cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước. Trong đó, việc trẻ chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước được xem là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, việc quản lý, giám sát chưa chặt của người lớn cũng như hướng dẫn của nhân viên chuyên môn (cứu hộ) khi trẻ đi bơi hoặc vui chơi giải trí dưới nước chưa được chu đáo, cũng là lý do gây ra những sự việc thương tâm. Ngoài ra, những yếu tố khách quan như thiên tai, bão lũ, trẻ em sống gần môi trường không an toàn (ao, hồ, giếng nước, cống rãnh...) hay những yếu tố chủ quan như không thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông đường thủy, chưa biết kỹ năng cứu đuối nước an toàn… cũng khiến tỷ lệ tử vong vì đuối nước tăng.

Cấp bách phòng chống đuối nước - Ảnh 2.

Học bơi đúng cách sẽ mang lại an toàn

NGỌC THẮNG

CẦN SỰ CHUNG TAY VÀ TRÁCH NHIỆM CAO CỦA TOÀN XÃ HỘI

Bà Nguyễn Thị Chiên khẳng định công tác phòng chống đuối nước không phải trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm chung của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, mỗi bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương, nhà trường và gia đình cần có sự quan tâm, đầu tư và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn để cùng chung tay, góp sức trong công tác phòng chống đuối nước. Đối với mỗi người dân, ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, các học sinh, thiếu niên, nhi đồng có trách nhiệm tích cực tập luyện môn bơi, đồng thời là tuyên truyền viên tích cực vận động gia đình, người thân, bạn bè của mình cùng tập luyện kỹ năng bơi, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước.

THÍ ĐIỂM TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ TRẺ EM BIẾT BƠI

Tổng cục TDTT đã và đang hướng dẫn các địa phương triển khai thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi. Tức là không chỉ bơi được xa, bơi nhanh mà các em còn phải nắm bắt được kiến thức phòng chống đuối nước, thực hành tốt các kỹ năng an toàn trong môi trường nước và cứu đuối an toàn.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng đuối nước của người dân và trẻ em, sau khi Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 được phê duyệt, tháng 5 hằng năm, Bộ VH-TT-DL và các địa phương đồng loạt tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện bơi. Vụ TDTT quần chúng xây dựng, phổ biến tài liệu, video clip hướng dẫn người dân và trẻ em về kỹ thuật các kiểu bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối an toàn.

Cấp bách phòng chống đuối nước - Ảnh 5.

Trẻ em khi tập bơi cần có HLV để đảm bảo hiệu quả và an toàn

NGUYỄN LOAN

Cấp bách phòng chống đuối nước - Ảnh 6.

Cấp bách phòng chống đuối nước - Ảnh 7.

Đối với các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn phải thực hiện đúng những quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí đủ nhân viên chuyên môn, có bảng nội quy quy định và hướng dẫn người dân, trẻ em thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn, phòng chống đuối nước.

Đặc biệt, ngành thể thao kết hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, Bộ GD-ĐT, T.Ư Đoàn hướng dẫn các tỉnh, thành tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao dành cho trẻ em và các thành viên trong gia đình để hạn chế tình trạng trẻ vui chơi ở những nơi có nguy cơ tiềm ẩn đuối nước, nâng cao nhận thức và hành động của người dân về phòng chống đuối nước. 

Cần nhiều hồ bơi di động

Tổng thư ký Hiệp hội bơi Việt Nam – ông Đinh Việt Hùng cho biết: "Hiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng rất ít trường học có hồ bơi. Và chính sự thiếu thốn này là trở ngại với công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước, đặc biệt cho trẻ em. Khi chưa có cơ sở vật chất thuận lợi, VN vẫn có giải pháp như sử dụng các hồ bơi di động. Chúng tôi đã thí điểm mở lớp phổ cập bơi, chống đuối nước bằng hồ bơi đi động, nhận thấy được hiệu quả và mô hình này cần được nhân rộng".

Quỳnh Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.