Còn nhớ hồi năm 2010, được mời đến góp ý cho việc tìm quốc hoa, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam lúc đó là ông Phạm Sanh Châu đã “tranh thủ diễn đàn” để kéo thêm một câu về quốc phục. “Trong chính sách ngoại giao văn hóa thì quốc hoa, quốc phục là rất cần thiết để khi ra nước ngoài có bản sắc mà giới thiệu”, ông Châu nói.
|
Phải “kèo” thêm về quốc phục bởi không chỉ hồi năm 2010, mà trước đó và tới tận giờ, lễ phục trong các nghi thức nhà nước vẫn là khoảng trống với ngoại giao Việt Nam. Năm 1992, Hội đồng Nhà nước ra Thông báo số 226/TB quy định về lễ phục cho cán bộ công nhân viên chức, cũng như các cấp lãnh đạo trong Chính phủ. Theo đó, cả nam và nữ đều mặc theo kiểu âu phục trong các buổi lễ, buổi họp trọng thể hay tiếp khách ngoại giao... Về lễ phục nữ, thông báo này viết: áo dài truyền thống hoặc complet, có thể mặc váy, đi giày, xăng đan. “Như vậy mới chỉ là mang tính chất chung về hình thức trang phục, chưa có những quy chế cụ thể”, nhà nghiên cứu, họa sĩ Đoàn Thị Tình cho biết.
Cũng vì thiếu quy chế cụ thể, nên tới năm 1998, nhân sự kiện cấp cao ASEAN 6 tại Việt Nam, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) và Bộ Ngoại giao đã tổ chức cho may và mặc thử một số áo cho nam giới theo kiểu Batic của Indonesia. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, mẫu quần áo này không mấy thành công. Cho tới năm 2006, tại Hội nghị APEC, cũng theo Cục, hình ảnh các chính khách trong bộ áo dài khăn đóng cũng mang lại nhiều ý kiến trái chiều.
|
Không bắt buộc
|
Mới đây, Bộ VH-TT-DL đã chính thức giao Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm xúc tiến tìm lễ phục. Cục này cho biết lễ phục được hiểu là trang phục cho các lễ quan trọng của đất nước, thể hiện lòng tự hào dân tộc. Lễ phục được sử dụng trong những dịp quan trọng như Giỗ Tổ, Hội nghị APEC hay trình quốc thư... Nó hoàn toàn không bị bắt buộc phải dùng cho những ngày cưới xin, hội hè như nhiều người vẫn nghĩ. “Nếu thấy đẹp, đám cưới có thể mặc. Nếu thấy không đẹp, đám cưới có thể không theo”, bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng nói.
Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên n, việc chỉ dành cho lễ sẽ giảm bớt số người có liên quan tới bộ lễ phục. Cũng chính vì thế, sức ép với cơ quan soạn thảo sẽ giảm. “Tuy nhiên, đã là việc quốc gia, thiết kế nếu không đẹp cũng vẫn có thể gây dư luận không tốt”, ông n nói.
Một cán bộ cấp vụ của Bộ Ngoại giao cho biết đến nay nghi thức trình quốc thư của các nước được quy định khá đa dạng. Chẳng hạn, nhà nước Na Uy quy định các đại sứ tới trình quốc thư tại nước họ phải mặc áo đuôi tôm. Hoặc ở Anh, đại sứ phải di chuyển bằng xe ngựa khi đến hoàng cung trình quốc thư tới nữ hoàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có quy định chuyên biệt cho việc trình quốc thư. Chính vì thế, khi trình quốc thư tại Việt Nam, các đại sứ người mặc complet, có một số nước như Gabon lại thường mặc trang phục dân tộc. Nói nôm na, chúng ta chưa có quy định đại sứ trình quốc thư tại Việt Nam phải mặc khăn đóng áo the.
Cũng theo nhà ngoại giao này, khi ra được quy định nhà nước về lễ phục, trong đó quy định các nước khi trình quốc thư sẽ mặc trang phục theo truyền thống Việt Nam thì đại sứ các nước sẽ mặc theo. Điều này được Công ước Vienna về ưu đãi miễn trừ ngoại giao quy định. Nghĩa là các đại sứ dù được ưu đãi miễn trừ vẫn phải tuân thủ một số quy định nhất định. Nếu có quy định này, các đại sứ Việt Nam cũng sẽ mặc bộ lễ phục đó để tiếp khách trong ngày Quốc khánh Việt Nam. “Tôi nghĩ có quy định về lễ phục này sẽ rất hay và giúp quảng bá văn hóa”, vị này nói.
Đạo diễn Nguyễn Hải Anh (biên kịch - đạo diễn bộ phim truyền hình tài liệu 24 tập Đi tìm trang phục Việt): “Tôi thấy rất cần xây dựng và triển khai đề án lễ phục nhà nước. Theo tôi, có thể sử dụng nguyên xi trang phục truyền thống Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ 20 vào mẫu lễ phục ngày nay, tức là đàn ông mặc áo dài khăn đóng, phụ nữ mặc áo dài nhưng không chiết eo, để eo rộng. Bởi trang phục truyền thống vừa đẹp lại đa dạng, trang trọng, vẫn giữ được nét riêng biệt, không bị đồng hóa, lại thuận tiện khi sử dụng. Có thể bỏ khăn đóng vì khăn hơi nặng do có nhiều lớp quấn và dễ gây cho người đội cảm giác bị đè xuống, bị đàn áp xuống bởi khuynh hướng Nho giáo trước kia. Giờ đây với xu hướng mở rộng, đi lên, việc không đội khăn đóng sẽ tạo cảm giác thoải mái, tự tin hơn. Chất liệu sử dụng có thể là tơ tằm hoặc cotton, sẽ đem lại cảm giác mát mẻ, nhẹ và giá thành rẻ. Xu hướng quay về trang phục cổ cũng khá phổ biến ở một số nước. Trang phục cổ của Việt Nam rất đẹp, được bạn bè quốc tế rất yêu thích, vậy tại sao chúng ta lại thờ ơ? Phải chăng bụt chùa nhà không thiêng?” Ngọc Bi (ghi) |
Ý kiến của các nhà thiết kế * Doanh nhân Hùng Cửu Long (người chuyên bận trang phục cách tân tự thiết kế từ mẫu áo dài cổ)
Tôi luôn tin rằng áo dài là nguồn tài nguyên sáng tạo mà cha ông đã để lại cho chúng ta rất quý giá và để chúng ta giữ gìn và phát triển nó theo thời đại. Chúng ta phải cùng nhau chung sức bảo vệ, gìn giữ, xây dựng. Không thể có chọn lựa nào khác ngoài áo dài cho lễ phục. Tôi luôn tự tin xuất hiện trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh với chiếc áo dài.
* Nhà thiết kế Võ Việt Chung: Nếu chọn lễ phục của Việt Nam, thì sự lựa chọn đầu tiên của tôi đó là áo dài cho cả nam và nữ. Không có một lễ phục nào có thể thay thế được tà áo dài truyền thống Việt Nam. Vì từ xưa đến nay nếu nhắc đến Việt Nam mọi người khắp thế giới đều nghĩ ngay đến lễ phục áo dài.
* Nhà thiết kế Thuận Việt: Lễ phục của người Việt Nam theo tôi nên là áo dài. Áo dài có nhiều ưu điểm vì tên gọi áo dài có thể dùng chung cho cả nam và nữ. Áo dài là từ ngữ được công nhận trong từ điển nhiều quốc gia và là trang phục thích hợp cho nhiều hoàn cảnh sử dụng cũng như thích hợp với nhiều vùng miền. Áo dài có lẽ là một trong những trang phục thời trang đi cùng với chiều dài lịch sử và sẽ luôn luôn đi cùng nhịp thở của thời trang thế giới. Dạ Ly (ghi) |
Trinh Nguyễn
>> Vẫn chưa có tiêu chí tìm lễ phục
>> Cần tìm tiêu chí lễ phục
>> Cần tìm tiêu chí lễ phục
>> Lễ hội đâm trâu của dân tộc Cor
>> Thấy gì qua quy hoạch lễ hội?
>> Quan chức và lễ hội
>> Lễ hội Vía Bà
Bình luận (0)