Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực từ 1.7, Bộ Công an sẽ triển khai cấp thẻ Căn cước cho công dân từ 0 tuổi trở lên. Một trong những điểm mới của luật Căn cước là bổ sung quy định về việc cấp giấy chứng nhận căn cước (GCNCC) cho người gốc VN chưa xác định được quốc tịch, đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại VN. Việc này không chỉ bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc VN chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại VN mà còn phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.
Tạo thuận lợi cho người dân, giúp quản lý tốt hơn
Tại khoản 4 điều 3 luật Căn cước quy định người gốc VN chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại VN là người không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch VN và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch VN được xác định theo nguyên tắc huyết thống.
Theo dự thảo quy định về mẫu thẻ căn cước, GCNCC có hình chữ nhật, kích thước 74 mm x 105 mm. Mặt trước GCNCC gồm các thông tin như: hình quốc huy nước CHXHCN VN, tiếp đến là dòng chữ "chứng nhận căn cước"; ảnh khuôn mặt người được cấp; mã QR; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; tình trạng hôn nhân; nơi ở hiện tại; thời hạn sử dụng.
Mặt sau của GCNCC gồm các thông tin: vân tay ngón trỏ trái; vân tay ngón trỏ phải; thông tin họ tên, quốc tịch của cha, mẹ, vợ (chồng), hoặc tên của người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ. GCNCC được làm bằng chất liệu giấy, được bảo đảm an toàn.
Theo thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, thực tế người gốc VN chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại VN là vấn đề đã tồn tại lâu nay ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư. Tuy nhiên, lâu nay chưa có bất kỳ một văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ về vấn đề này. Họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và phải được nhà nước, xã hội thừa nhận. Họ có quyền tham gia giao dịch trong xã hội nhưng họ không có giấy tờ gì, chưa xác định được quốc tịch VN.
"Không hộ chiếu, không căn cước nên thực tiễn rất khó khăn trong quản lý, hạn chế rất nhiều trong việc sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội...", thượng tá Hải nói.
Theo thống kê của Bộ Công an, VN hiện có khoảng 31.117 trường hợp người gốc VN không xác định được quốc tịch (trong đó có 775 trường hợp là con lai giữa công dân VN với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch, tập trung tại Gia Lai, Bạc Liêu, Vĩnh Long...; 10.650 trường hợp người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai...; 16.161 trường hợp người không có giấy tờ tùy thân tập trung tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương...).
"Đa số họ là những người yếu thế như là người di cư, cư trú không ổn định, là người dân tộc thiểu số, trẻ em, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, trải qua nhiều thế hệ gồm cả con, cháu, nhiều người đã được sinh ra nhưng chưa được pháp luật thừa nhận, bảo vệ đầy đủ. Chưa kể nhiều cơ quan quản lý nhà nước không có bất cứ thông tin, dữ liệu gì về người gốc VN. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý, nhất là trong bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề về nhân quyền để gây rối, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội", thượng tá Nguyễn Ngọc Hải trao đổi.
Do vậy, luật Căn cước năm 2023 đã quy định về quản lý đối với những người gốc VN, theo đó, sẽ thực hiện việc quản lý, cấp GCNCC cho người gốc VN.
Theo thượng tá Hải, quy định này thể hiện trách nhiệm của nhà nước ta và cũng là cơ sở để người gốc VN có điều kiện để thực hiện trách nhiệm với xã hội, với địa phương nơi đang sinh sống lâu nay. Khi họ được xác định có quốc tịch VN hoặc được công nhận quốc tịch VN thì sẽ được cấp thẻ căn cước như mọi công dân khác; khi họ chưa đủ các điều kiện để xác định và công nhận có quốc tịch thì cũng được cấp GCNCC để họ có giấy tờ giao dịch và cũng phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư. Ngoài ra, trong quá trình thảo luận, các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích nhiều nội dung, khía cạnh và cho thấy rằng cần phải nghiên cứu cấp GCNCC để có cơ chế quản lý chặt chẽ và có hiệu quả đối với nhóm người này.
Làm giấy chứng nhận căn cước ở đâu?
PC06 cho biết người gốc VN chưa xác định được quốc tịch muốn làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại GCNCC thì đến cơ quan quản lý căn cước của công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc T.Ư hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nơi mình sinh sống.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước sẽ tổ chức làm thủ tục cấp GCNCC tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc VN chưa xác định được quốc tịch.
Về giá trị sử dụng, GCNCC có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ VN. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên GCNCC để kiểm tra thông tin của người được cấp GCNCC trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định.
Khi người gốc VN chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình GCNCC theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu họ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong GCNCC, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong GCNCC không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Mỗi công dân được cấp 1 căn cước điện tử từ 1.7
Luật Căn cước được Quốc hội thông qua vào ngày 27.11.2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7 cũng quy định rõ về cấp, quản lý căn cước điện tử. Theo đó, mỗi công dân VN được cấp 1 căn cước điện tử. Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
Bình luận (0)