Từ ngày 1.7, làm thẻ căn cước buộc thu thập mống mắt

Ngọc Lê
Ngọc Lê
20/05/2024 06:30 GMT+7

Luật Căn cước chính thức có hiệu lực kể từ 1.7 tới thay thế luật Căn cước công dân và có 10 điểm mới cơ bản.

Cụ thể, kể từ thời điểm này, Bộ Công an sẽ triển khai cấp thẻ căn cước (TCC) cho người dân trên toàn quốc.

Theo luật Căn cước, đối với thẻ Căn cước công dân (CCCD) đã được cấp trước ngày 1.7 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ. Chứng minh nhân dân còn thời hạn thì được sử dụng đến ngày 31.12.2024. Như vậy, dù không bắt buộc phải đổi thẻ CCCD sang TCC nhưng khuyến khích người dân bổ sung dữ liệu sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói.

Theo luật Căn cước, TCC không chỉ thay đổi về tên gọi, mẫu thẻ mới có nhiều điểm khác biệt so với thẻ CCCD. Trong đó, mục "quê quán" thay thành "nơi đăng ký khai sinh"; "nơi thường trú" thay thành "nơi cư trú", đồng thời di chuyển sang mặt sau của thẻ thay vì mặt trước như hiện nay. Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội" thành "Bộ Công an".

Trên mặt TCC không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải như CCCD. Mã QR code trên thẻ căn cước cũng được đề xuất chuyển sang mặt sau, thay vì mặt trước như hiện hành.

Từ ngày 1.7, làm thẻ căn cước buộc thu thập mống mắt

Ngoài ra, công dân dưới 14 tuổi được cấp TCC theo nhu cầu, cấp giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc VN chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại VN từ 6 tháng trở lên.

Khi làm thủ tục cấp TCC, cơ quan quản lý sẽ thu thập mống mắt (bắt buộc đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên), ADN, giọng nói (người dân tự nguyện) của công dân, bên cạnh việc lấy vân tay, hình ảnh.

Đối với người dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp TCC cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia (VNEID). Đáng chú ý, không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

Mỗi công dân VN được cấp 1 căn cước điện tử. Theo đó, căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch theo nhu cầu của công dân.

Một trong 10 điểm mới cuối cùng theo luật Căn cước, đó là bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào TCC. Theo đó, thông tin tích hợp vào TCC gồm: thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định.

Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào TCC khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp TCC. Các thông tin đã được tích hợp giúp ích trong thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Khuyến khích người dân bổ sung dữ liệu sinh trắc học

Trả lời Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, cho biết có 2 trường hợp bắt buộc phải làm thủ tục cấp, đổi TCC kể từ ngày 1.7. Thứ nhất là công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp TCC hoặc thẻ CCCD. Thứ hai là công dân đã có thẻ CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng.

Người dân TP.HCM đi làm căn cước công dân

Người dân TP.HCM đi làm căn cước công dân

Nhật Thịnh

Ngoài các trường hợp bắt buộc trên, công dân dưới 14 tuổi hoặc công dân có thẻ CCCD còn thời hạn sử dụng nếu muốn sẽ được cấp TCC theo nhu cầu.

Theo thượng tá Hải, việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước. Việc thay đổi từ mẫu thẻ CCCD thành TCC để phù hợp với tên gọi luật Căn cước.

"Việc đổi tên thẻ thành TCC còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế; bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi VN có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng TCC thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia", thượng tá Hải nhấn mạnh.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải cho hay khi công dân thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại TCC thông tin sinh trắc học về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt là bắt buộc.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao cần phải lấy sinh trắc về mống mắt, dữ liệu có bị rò rỉ, lộ, lọt hay không? Giải đáp thắc mắc này, thượng tá Nguyễn Ngọc Hải cho hay ngoài việc thu thập thông tin sinh trắc dữ liệu về khuôn mặt, vân tay thì dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và VN hiện nay.

Mống mắt không thay đổi theo thời gian

Thượng tá Hải phân tích thêm: Đối với những dữ liệu về sinh trắc khác như dấu vân tay, khuôn mặt thì có thể thay đổi theo thời gian. Ví dụ như dấu vân tay trong quá trình sinh hoạt, lao động có thể bị thay đổi, bị mờ đi; khuôn mặt thì thay đổi theo thời gian, hay giải phẫu thẩm mỹ... Nhưng mống mắt nằm bên trong mắt là cơ quan hết sức đặc biệt nên thu nhập mống mắt là điều hết sức cần thiết.

Người dân TP.HCM đi làm căn cước công dân

Người dân TP.HCM đi làm căn cước công dân

Nhật Thịnh

Theo thượng tá Hải, hiện nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng công nghệ này để nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, kiểm soát an ninh trong các hoạt động thường ngày của xã hội. Đồng thời, nhiều nước trên thế giới đang tiến hành thu thập mống mắt để đưa vào các dữ liệu quản lý của các quốc gia đó, nên nó cũng phù hợp trong quản lý nhà nước của VN.

Còn thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi công dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Khi có thêm những thông tin về dữ liệu sinh trắc ADN và giọng nói, PC06 cho biết sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, truy nguyên, nhận dạng, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Vấn đề bảo mật, an toàn thông tin đều được triển khai, thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề không bị lộ, lọt dữ liệu.

Bộ Công an đang chuẩn bị về mặt hạ tầng, kỹ thuật để việc thu nhận dữ liệu mống mắt, ADN, giọng nói nhằm chính xác khi đối sánh và bảo mật tuyệt đối, không để lộ lọt thông tin.

Thượng tá Hải khẳng định việc thu thập thông tin sinh trắc mống mắt thông qua các thiết bị chuyên dụng, đảm bảo các tiêu chuẩn về thiết bị, bảo mật dữ liệu, mã hóa và lưu trữ, khai thác sử dụng nên việc thu thập mống mắt đảm bảo an toàn sức khỏe, dữ liệu bảo mật, người dân hoàn toàn yên tâm khi cung cấp thông tin về mống mắt cho công an. 

Việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý. Có thể xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước. Như vậy, việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.