Một năm rưỡi chuẩn bị đám cưới theo phong cách xưa
Đám cưới của Trần Hữu Phú (29 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Trang (22 tuổi) ở H.Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre được tổ chức vào ngày 21.7 theo phong cách “ông bà anh” từ trang phục cho đến cách trang trí.
“Từ lời kể của ông nội về đám cưới xưa, mình cũng muốn ngày vui của mình làm giống như vậy. Cả gia đình 2 bên và vợ đều ủng hộ, nếu không có sự yêu thích thì mọi người không làm theo”, Hữu Phú kể.
Để có được một đám cưới như thế, Hữu Phú đã bắt đầu chuẩn bị từ năm 2023, sưu tầm vật dụng và lên ý tưởng, tốn 2 tháng rưỡi nhằm trang trí không gian lễ cưới. Từng chi tiết nhỏ trong đám cưới đều được cặp đôi gửi gắm trọn vẹn tình cảm của mình vào đó và để lại những ký ức đẹp cho bản thân, khách tham dự.
“Tổ chức đám cưới theo phong cách truyền thống không phải là yêu thích nhất thời mà phải có sự say mê, am hiểu văn hóa xưa. Mình chỉ lấy cảm hứng từ đám cưới xưa của người dân Nam bộ chứ không bê nguyên si. Nếu muốn giống y chang thì không có đủ đạo cụ, trang phục để làm trọn vẹn được”, Phú nói.
Trong ngày cưới, không váy cưới lộng lẫy và comple đắt tiền, cô dâu mặc chiếc áo rọc màu đỏ giản dị, đội nón cụ quai cung trên đầu, hạnh phúc bên chú rể với áo dài khăn đóng. Còn cha mẹ 2 bên, ông bà, họ hàng đều mặc trang phục áo dài truyền thống Nam bộ.
Cô dâu chú rể, họ hàng, bạn bè mặc trang phục áp dài truyền thống trong ngày cưới
NVCC
Hữu Phú cho biết mâm lễ vật trong ngày cưới gồm có khay đựng cau trầu do chú rể phụ mang đi với trưởng tộc để trình cho họ nhà gái. Tiếp theo là mâm cau trầu, trái cây, bánh ngọt, 2 cái nón cụ quai cung cho cô dâu và phụ dâu. Còn chú rể thì cầm áo rọc để sang nhà gái, khi trình lễ trước họ hàng, chú rể khoác cho cô dâu để làm lễ gia tiên.
“Khu vực lễ đường, mình treo dây môn, sắc kỹ, nhờ các nghệ nhân cắm hoa kiểu đuôi công. Những câu đối mình viết trên vải đỏ, mực tàu pha với keo da trâu để không loang. Mình tìm hiểu câu đối trong sách của ông bà để lại có ý nghĩa về ngày cưới, chúc phúc cho cặp vợ chồng”, Hữu Phú nói. Ngoài ra, Phú còn nhờ người cháu thiết kế thiệp cưới theo phong cách xưa rồi gửi lên TP.HCM in ấn.
Nghi thức rước dâu
NVCC
Những câu đối đỏ cùng bức tranh xưa trang trí trong không gian ngôi nhà của Phú
NVCC
Say mê văn hóa truyền thống của Nam bộ
Hữu Phú sinh ra và lớn lên trong gia đình có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa. Ông nội của Phú giỏi chữ nho, rành lễ nghĩa, phong tục, tập quán người Nam bộ xưa. Từ nhỏ, khi thấy ông nội bày biện cúng kiếng, viết liễn, câu đối ngày tết, hướng dẫn con cháu sửa soạn mâm cỗ... Chàng trai này đều chăm chú đứng xem. Dần dần, những hoạt động này trở thành niềm yêu thích của Phú.
“Nhận thấy sự đam mê văn hóa truyền thống của mình, ông đã truyền dạy cho kiến thức văn hóa, tục lệ của gia đình và người Nam bộ. Từ đó, mình có thể thay ông quán xuyến việc thờ tự, cúng kiếng trong gia đình theo đúng văn hóa truyền thống của Nam bộ”, Phú nói.
Sau khi xong bậc THPT, Hữu Phú theo học ngành mỹ thuật của Trường ĐH Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp). Trong những năm tháng đại học, Phú đã tìm hiểu kiến thức cơ bản, thực hành du khảo nhiều nơi để lấy mẫu đo đạc, vẽ lại hoa văn đầu cột, tỷ lệ, kích thước, cửa mái vòm từ các ngôi nhà cổ ở miền Tây.
Từ những điều đã tìm hiểu, Phú ấp ủ thực hiện giấc mơ khôi phục lại đúng ngôi nhà cổ mà Phú được nghe từ chính người ông của mình trong những ngày thơ ấu.
Đầu năm 2018, sau khi nhận được sự đồng ý của gia đình, công việc phục dựng bắt đầu được tiến hành bằng những viên gạch đầu tiên trên nền móng ngôi nhà cũ. Một năm sau đó, việc phục dựng ngôi nhà được hoàn thành, tốn hơn 300 ngày công. Chưa kể Phú đã dành nhiều thời gian tự tay mình đắp nổi từng tấm phù điêu và vẽ màu cho ngôi nhà.
Ngôi nhà sau khi hoàn thành cũng thu hút nhiều chuyên gia văn hóa, sinh viên các ngành mỹ thuật, kiến trúc… đến tìm hiểu kiến trúc, phong tục, lễ nghi cổ truyền của vùng Nam bộ xưa. Hằng năm, nhà cũng tổ chức lễ dựng cây nêu ngày tết. Năm 2022, Phú đạt giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre với đề tài “Ý tưởng xây dựng điểm bảo tồn tham quan, du lịch, văn hóa Nam bộ”.
Bình luận (0)