Chủ tịch nước:

'Cấp dưới cứ lựa nói đúng ý cấp trên thì nguy hiểm cho Đảng, đất nước'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/12/2023 10:36 GMT+7

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, muốn đại đoàn kết phải phát huy dân chủ. Đoàn kết mà không có dân chủ, không lắng nghe ý kiến khác nhau là đoàn kết xuôi chiều, đoàn kết dựa trên sự bưng bít, không lắng nghe sự thật.

Sáng 4.12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII. 

Giới thiệu Nghị quyết 43 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc (Nghị quyết 43), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho hay, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 của T.Ư Đảng khóa IX, các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết 23 cơ bản đã được thực hiện.

'Cấp dưới cứ lựa nói đúng ý cấp trên thì nguy hiểm cho Đảng, đất nước'  - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng giới thiệu nội dung Nghị quyết 43 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc

GIA HÂN

Tuy nhiên, vấn đề phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề xuyên suốt nên phải tính toán nội dung, nhiệm vụ, giải pháp.

Cạnh đó, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, T.Ư đánh giá còn một số hạn chế khuyết điểm, rút ra một số bài học kinh nghiệm. Thực tiễn sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tình hình thế giới, khu vực đã có nhiều thay đổi.

"Đây là 3 lý do T.Ư khóa XIII ban hành Nghị quyết 43 vào thời điểm này", Chủ tịch nước nói, và cho biết, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, đời sống của người dân được cải thiện rất nhiều. Năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 4.436 - 4.500 USD. Đây là bước tiến rất rõ so với 20 năm trước.

"Theo Tạp chí World Economist (Kinh tế thế giới), tính theo sức mua tương đương, GDP Việt Nam hiện nay tầm 23 thế giới. Dự kiến 2030, Việt Nam có thể xếp thứ 15, tính theo sức mua tương đương", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Mục tiêu chung là xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Nói về quan điểm của Nghị quyết 43 về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, Nghị quyết 43 có cách tiếp cận đầy đủ, toàn diện, hệ thống về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc.

'Cấp dưới cứ lựa nói đúng ý cấp trên thì nguy hiểm cho Đảng, đất nước'  - Ảnh 2.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt 4 nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII

GIA HÂN

Theo đó, T.Ư Đảng xác định nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.

Cạnh đó, Nghị quyết 43 cũng xác định mục tiêu chung của dân tộc để phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Chủ tịch nước, mỗi người có suy nghĩ khác nhau, thậm chí yêu nước bằng cách riêng của mình. Tuy nhiên, điểm chung nhất để hội tụ mỗi người Việt Nam yêu nước chính là mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

"Người này có thể không đồng ý mặt này, không đồng ý mặt khác, nhận thức thế này, nhận thức thế khác, nó cũng bình thường. Tôi nói ngay cả trong Đảng ta, trên một số vấn đề lớn thống nhất cao, nhưng một số vấn đề đi vào nhiệm vụ giải pháp thì cũng chưa hẳn lúc nào cũng đạt 100% đâu. Chuyện đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng trên những vấn đề nguyên tắc, đường lối cơ bản phát triển, thống nhất là lấy mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Muốn đại đoàn kết phải phát huy dân chủ

Quan điểm thứ ba, theo Chủ tịch nước, Nghị quyết 43 xác định phương thức quan trọng để phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chính là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

'Cấp dưới cứ lựa nói đúng ý cấp trên thì nguy hiểm cho Đảng, đất nước'  - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

GIA HÂN

Chủ tịch nước phân tích, muốn đại đoàn kết phải phát huy dân chủ. Đoàn kết mà không có dân chủ, không lắng nghe ý kiến khác nhau thì đoàn kết xuôi chiều.

"Cán bộ cấp dưới mà cứ lựa theo, coi ông cấp trên ông nghĩ gì để mà nói thì tôi nghĩ cái đó nguy hiểm cho Đảng, cho đất nước. Và người ta nói đó là đoàn kết một chiều, đoàn kết xuôi chiều, đoàn kết trên sự bưng bít và không lắng nghe sự thật", Chủ tịch nước nói, và nhấn mạnh, đoàn kết phải gắn với phát huy dân chủ.

"Chỗ nào không có dân chủ, chỗ đó không có đoàn kết thực sự. Tôi dám khẳng định với các đồng chí như thế. Mà cái này nói các đồng chí đừng buồn, chắc chỗ này chỗ kia cũng có chứ không phải không đâu, thậm chí còn nặng nề. Bàn chuyện gì cứ đi hỏi thủ trưởng nghĩ cái này thế nào để vô phát biểu cho trúng ý thủ trưởng. Dự cuộc họp mà không thẳng thắn, không trao đổi một cách chân thành, lắng nghe, phân tích, mổ xẻ. Cái đó không nên", Chủ tịch nước nói.

Một quan điểm nữa được Nghị quyết 43 nhấn mạnh, đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Trong đó, đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.