Đẩy mạnh đào tạo y khoa cho bác sĩ chuyên khoa tim mạch tuyến tỉnh
Hội thảo nhằm cập nhật kiến thức điều trị bệnh lý rối loạn nhịp, tim mạch và bệnh đồng mắc cho các bác sĩ tuyến tỉnh nhằm hỗ trợ bệnh nhân bị rối loạn nhịp - tim mạch được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và hiệu quả. Nhờ vào tiến bộ y học, việc điều trị bệnh lý rối loạn nhịp, tim mạch và bệnh đồng mắc mang đến hiệu quả tốt khi kết hợp nhiều biện pháp khác nhau theo các khuyến cáo mới nhất của quốc tế và Việt Nam như: dùng thuốc (nội khoa); can thiệp bằng các thủ thuật tiên tiến và ít xâm lấn như cấy máy tạo nhịp tim, cấy máy phá rung tự động, cấy máy tái đồng bộ tim hay triệt đốt rung nhĩ bằng phương pháp áp lạnh…
Chia sẻ trong sự kiện, BSCK II. Kiều Ngọc Dũng, Trưởng Khoa Điều trị Rối loạn nhịp, TT Tim mạch, BV Chợ Rẫy, chủ tọa hội thảo cho biết: "Trên Thế giới ước tính có 1.5 đến 5% dân số mắc các bệnh lý rối loạn nhịp khác nhau. Rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến hậu quả ngưng tim - một trong những nguyên nhân chủ yếu của nhiều trường hợp đột tử hiện nay. Bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau và ở bất kì thời điểm nào trong cuộc đời, với triệu chứng rất đa dạng, với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng; hoặc thậm chí bệnh nhân bị rối loạn nhịp nhưng hoàn toàn không có biểu hiện nào, hoặc các biểu hiện khá mơ hồ như cảm giác không khỏe, cảm giác khó chịu ngực. Chính vì vậy bác sĩ và bệnh nhân dễ bỏ qua cơ hội chẩn đoán phát hiện bệnh sớm và kịp thời điều trị theo đúng phác đồ để đạt hiệu quả điều trị cao nhất".
Chương trình còn có những chuyên đề liên quan đến các bệnh đồng mắc ở bệnh nhân tim mạch như Xử trí can thiệp nội viện do Rung nhĩ, Điều trị bệnh lý tim mạch cho bệnh nhân Đái Tháo Đường và Điều trị bệnh Cơ xương khớp – Chỉnh hình.
Những tiến bộ mới trong điều trị bệnh lý rối loạn nhịp
Nếu không phải do nguyên nhân bẩm sinh thì có thể phòng ngừa bệnh qua việc duy trì lối sống khoa học, chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì thực đơn tốt cho tim mạch, kiểm soát căng thẳng, tập thể dục, vận động hợp lý mỗi ngày.
Trong việc điều trị, BSCK II. Kiều Ngọc Dũng cho biết: "Phương thức điều trị rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể, ví dụ các rối loạn nhịp đơn giản có thể điều trị bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống, tuy nhiên nếu các rối loạn nhịp do sự bất thường về mặt cấu trúc hoặc bất thường di truyền học. sự điều trị cần phải chuyên sâu hơn. Ví dụ cần phải triệt bỏ các ổ rối loạn nhịp bằng kỹ thuật thuật thăm dò triệt đốt điện sinh lý đối với các dạng nhịp nhanh nguy hiểm tính mạng hoặc phải đặt máy tạo nhịp tim 1 buồng, 2 buồng đối với các rối loạn nhịp chậm hoặc đặt máy tạo nhịp 3 buồng hoặc khử rung tự động với bệnh nhân suy tim hoặc nhanh thất".
Ông Thomas Sander, Giám đốc Nhánh Tim mạch Medtronic Việt Nam & Medtronic Cambodia Myanmar và Lào chia sẻ trong sự kiện:"Medtronic có các giải pháp đa dạng và ít xâm lấn trong điều trị bệnh tim mạch nói chung và các bệnh lý rối loạn nhịp tim nói riêng, trong đó có thể kể đến máy tạo nhịp tim, giải pháp tạo nhịp hệ thống dẫn truyền, giải pháp tái đồng bộ tim và đốt rung nhĩ bằng kĩ thuật áp lạnh. Gần đây chúng tôi vừa giới thiệu thế hệ máy tạo nhịp không dây có kích thước nhỏ chỉ bằng một viên vitamin. Đây là máy tạo nhịp không dây nhỏ nhất của Medtronic được đặt trong buồng tim nên đem đến cảm giác tự nhiên cho bệnh nhân, người bệnh hầu như không cảm thấy đang có thiết bị đặt trong tim".
Các thủ thuật thủ thuật can thiệp, ít xâm lấn trong điều trị bệnh tim mạch có thể được thực hiện tại các trung tâm tim mạch lớn trên cả nước. Đó là những nơi trang bị đầy đủ và đồng bộ hệ thống trang thiết bị can thiệp, và thủ thuật cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch can thiệp được đào tạo, với sự hỗ trợ liên tục của các chuyên viên kỹ thuật máy. Sau khi được can thiệp, bệnh nhân sẽ nằm viện 1-2 ngày để theo dõi và sau đó có thể xuất viện và tái khám, kiểm tra máy định kì theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bình luận (0)