Cấp phép khai khoáng dễ đến đáng lo !

13/07/2008 22:37 GMT+7

Tỉnh Yên Bái thời điểm này như một "đại công trường" khai mỏ. Từ huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, đâu đâu cũng thấy đào bới, thu nhặt khoáng sản, kể cả ở nơi được công nhận là thắng cảnh.

Quyết định "đá" nhau

Nếu ai đó phàn nàn về tình trạng chậm trễ trong việc cấp phép ở các tỉnh miền núi thì khi đến Yên Bái, có lẽ họ phải nghĩ lại, chí ít là trong việc cấp phép khai mỏ. Ngày 2.5.2008, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh nhận được đơn kèm hồ sơ của Công ty cổ phần khoáng sản Phúc Thọ (trụ sở tại Yên Bái) về việc xin khai thác quặng sắt ở núi Chàng Rể thuộc xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình. Ngay trong ngày, ông Giám đốc Sở TN-MT Trần Đức Lâm đã ký tờ trình số 202 gửi UBND tỉnh đề nghị cho phép Công ty Phúc Thọ được gom nhặt, tận thu khoáng sản tại khu vực núi Chàng Rể.  Công văn đã nêu rõ: "Khu vực khoáng sản này (khu vực núi Chàng Rể) nằm trong khu du lịch hồ Thác Bà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích danh lam thắng cảnh". Tờ trình này cũng khẳng định rõ cán bộ của Sở đã đi "kiểm tra thực địa" tại khu vực núi Chàng Rể.

Đầu tháng 7.2008, chúng tôi đến hồ Thác Bà, thuê thuyền lên núi Chàng Rể. Con thuyền nhỏ chở 3 người phóng hết tốc lực cũng phải mất hơn 2 tiếng mới đến được điểm quặng. Thêm 30 phút toát mồ hôi bò lên đỉnh núi, chúng tôi mới vào đến khu vực có quặng sắt. Núi Chàng Rể thực ra là một đảo giữa hồ, tại đây đã có Công ty TNHH Thông Đạt thu gom, vận chuyển quặng từ tháng 4.2008, hiện nay vẫn còn lán trại và một số đống quặng chưa chở về. Từ TP Yên Bái, cả đi và về chúng tôi phải mất tới gần một ngày trời, ấy vậy mà ông Giám đốc Sở TN-MT báo cáo cấp trên "đã kiểm tra thực địa" để có thể ký tờ trình ngay trong ngày. 

Không chỉ Giám đốc Sở TN-MT "thần tốc" giải quyết nguyện vọng của doanh nghiệp, mà ngay trong ngày 2.5, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Hoàng Thương Lượng đã hạ bút ký quyết định cấp phép cho Công ty Phúc Thọ được thu nhặt quặng sắt tại đảo nằm giữa lòng hồ Thác Bà. Diện tích khai thác là 3,6 ha, thời gian khai thác 1,5 năm. Chưa đầy 1 tháng sau khi ký văn bản cho Công ty Phúc Thọ, ngày 26.5.2008, ông Hoàng Thương Lượng lại ký quyết định ban hành Quy chế quản lý khai thác sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà. Trong đó, tại điều 10 về "Quản lý hoạt động khoáng sản vùng hồ Thác Bà" nêu rõ: khu vực cấm hoạt động khoáng sản trong vùng hồ Thác Bà gồm đảo đá trên hồ, các sườn núi phía tiếp giáp với mặt nước hồ tính theo đường phân thủy.  Với hai văn bản "đá" nhau như thế này, không biết chủ trương nào mà ông chủ tịch tỉnh quyết là đúng? 

Đừng lãng phí tài nguyên quốc gia 


Từng đoàn xe chở quặng sắt tại xã Đại Sơn, huyện Văn Yên - Ảnh: Nghĩa Lộ

Ngày 27.5.2008, Cục Địa chất và Khoáng sản VN đã có công văn gửi UBND tỉnh Yên Bái thông báo về việc phát hiện 28 vỉa quặng sắt phân bố rải rác trên diện tích 25 km2, thuộc địa phận các xã Minh An, Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La và một phần đất của nông trường Trần Phú của tỉnh Yên Bái. Dự báo trữ lượng quặng của cả vùng khoảng 40-50 triệu tấn quặng, chất lượng trung bình. Công văn trên nêu rõ: "Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ TN-MT, Cục Địa chất và Khoáng sản thông báo cho UBND tỉnh Yên Bái về các thông tin nêu trên để có biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản, trước mắt không cấp phép hoặc thỏa thuận cấp phép thăm dò, khai thác quặng sắt tại các địa bàn nêu trên".

Dân lo mất nguồn nước

"Các thôn Kim Bình, Yên Định, Yên Phú, thôn nào cũng có doanh nghiệp vào làm thủ tục khai mỏ, nào là Lộc Phát, Hưng Thắng. Họ đến khoan, đào, san, gạt... rồi phá đá, nổ mìn ngay trên địa bàn xã, sát với khu dân cư hay đồng ruộng, nương đồi. Hơn nữa những điểm khai thác đều là nơi sinh thủy (nơi đầu nguồn nước), đảm bảo nguồn nước ăn và sản xuất cho bà con; mất nguồn sinh thủy không khéo cả trăm nhà chết khát" - ông Nguyễn Quang Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái 

Nghĩa Lộ (ghi)

Tuy nhiên, chỉ trước đó một ngày, 26.5.2008, ông Hoàng Thương Lượng đã ký quyết định cho phép Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thiên Hà (trụ sở tại 168 phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) được khai thác khoáng sản tại mỏ quặng sắt Tân An thuộc xã Minh An và xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn. Diện tích khu vực được khai thác lên tới 46,5 ha, công suất khai thác là 40.000 tấn quặng/năm, thời gian khai thác là 4,5 năm. 4 ngày trước đó, cũng chính ông chủ tịch tỉnh đã ký quyết định cho phép Công ty cổ phần Kim Ngọc (trụ sở tại 31 phường Minh Tân, TP Yên Bái) được khai thác khoáng sản tại mỏ sắt thuộc xã Minh An và thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Tổng diện tích khu vực khai thác là 5,2 ha, công suất 10.000 tấn/năm, thời hạn cấp phép là 3 năm. 

Hiện nay, cả phía Công ty Thiên Hà và Công ty Kim Ngọc mới chỉ thực hiện các bước khảo sát, đầu tư ban đầu để chuẩn bị cho việc khai mỏ. Theo nhận xét của một chuyên gia, khi nhận được yêu cầu của Cục Địa chất và Khoáng sản, trong khi các công ty chưa đầu tư lớn, UBND tỉnh hoàn toàn có thể ra quyết định mới để thu hồi quyết định cũ, không cấp mỏ cho các công ty này để vừa thuận lợi cho cả Nhà nước và doanh nghiệp. Sau này, khi các công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị, mặt bằng rồi tỉnh lại ra lệnh cấm thì sẽ thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, có thể ngân sách sẽ phải bồi thường. Còn nếu không thu hồi giấy phép, cơ quan chức năng sẽ không thể khảo sát, đánh giá chi tiết về trữ lượng, chất lượng quặng sắt ở khu vực này. Không có một quy hoạch tổng thể lâu dài cho việc khai thác khoáng sản với những căn cứ chính xác, khoa học, tài nguyên quốc gia sẽ bị lãng phí.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.