Ông Tam ở phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM) nhiều lần kiến nghị và mòn mỏi chờ giải pháp khi ngôi nhà ông sống nằm trong khu quy hoạch ga Bình Triệu, dự án được duyệt quy hoạch từ năm 2002 với diện tích khoảng 41 hecta. Nhưng đến nay, sau 20 năm, dự án vẫn chưa có chuyển biến tích cực, khiến cuộc sống của ông Tam và hơn 3.000 hộ dân nơi đây chịu ảnh hưởng nặng nề.
Thấu hiểu được sự khốn khổ của người dân sống ở các khu quy hoạch "treo" phải gánh chịu, ngày 5.8.2024, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức (TP.HCM) có văn bản gửi UBND 34 phường trên địa bàn thông báo về việc cấp giấy chứng nhận cho đất (sổ đỏ) đối với giấy phép xây dựng có thời hạn. Việc cấp sổ đỏ cho nhà tạm, nhà trong quy hoạch treo tạo nên kỳ vọng cho nhiều người dân đang sống ở các khu quy hoạch "treo" TP.Thủ Đức và những khu tương tự ở TP.HCM.
Thế nhưng, bên cạnh những kỳ vọng vẫn còn rất nhiều sự lo lắng, khi trước đó đã rất nhiều lần người dân nhận được thông báo điều chỉnh quy hoạch cùng với những giải pháp được đưa ra, và rồi biệt vô âm tín.
Ông Nguyễn Văn Phú (61 tuổi) sinh sống tại bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là một trường hợp tương tự khi ngôi nhà của ông nằm trong dự án quy hoạch Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã trễ hẹn hơn 30 năm.
Cách trung tâm TP.HCM chỉ vài km nhưng cuộc sống của ông Phú và người dân khu bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) như ở miền quê. Hàng ngày, ông Phú và hàng nghìn hộ dân cư trú tại bán đảo Thanh Đa phải sống lay lắt trong những ngôi nhà xập xệ, không thể xây mới, sửa cũng không xong, mỏi mòn chờ siêu dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã bị "treo" hơn ba thập kỷ.
Em gái ông Phú ở ngay sát bên nhà, lại may mắn hơn khi đã kịp làm sổ đỏ cho miếng đất đang sinh sống trước khi dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được triển khai nhưng mảnh đất thứ hai mà bà tích góp mua được cho gia đình cũng cùng chung cảnh ngộ như nhà anh trai.
Ông Phạm Ngọc Liên, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cho biết lâu nay thành phố có chủ trương cấp phép xây dựng tạm, cấp phép xây dựng có thời hạn cho người dân có đất ở bị "dính" các loại quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho những người thuộc diện này có được chỗ ở ổn định, kiên cố.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhấn mạnh: Hết chu kỳ quy hoạch 5 năm đối với quy hoạch chung, 3 năm đối với quy hoạch phân khu 1/2.000 và 10 năm đối với quy hoạch tỉnh, các địa phương phải rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các dự án. Nếu không khả thi phải xóa, trả lại quyền lợi cho người dân có nhà đất trong dự án như được xây nhà, được cấp sổ, được mua bán, thế chấp…
Với những dự án tiếp tục triển khai, chính quyền cần thông tin công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, lộ trình thực hiện. Trường hợp dự án chưa triển khai, chưa có lộ trình thực hiện, nhà nước nên tạo điều kiện cho người dân được xây dựng, sửa chữa nhà, được cấp sổ như các hộ dân không nằm trong quy hoạch để họ ổn định cuộc sống trong thời gian chờ đợi.
Bình luận (0)