Cấp thiết bảo tồn bia ma nhai tại di tích đặc biệt Ngũ Hành Sơn

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
24/03/2019 07:43 GMT+7

Đó là ý kiến của đại đức Thích Không Nhiên, Phó chủ biên kiêm Thư ký tập san Liễu Quán tại tọa đàm khoa học Thư tịch cổ v à văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn do UBND Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) tổ chức vào chiều qua (23.3).

 
Hôm nay 24.3, lễ vía Đức Bồ tát Quán thế âm - lễ chính thức của Lễ hội Quán thế âm 19.2 (âm lịch) - Ngũ Hành Sơn do UBND Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) tổ chức sẽ chính thức diễn ra, thu hút hàng vạn đồng bào phật tử và người dân tham gia. Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 17 - 19.2 âm lịch (nhằm ngày 22 - 24.3) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tâm linh... đặc sắc, như: lễ dâng hương tại miếu thờ tưởng niệm Huyền Trân công chúa, lễ tế xuân cầu quốc thái dân an. Dịp này, UBND Q.Ngũ Hành Sơn cũng khai mở tượng danh nhân Sư Vạn Hạnh và Huyền Trân công chúa. Ban tổ chức cũng công bố Kỷ lục VN đối với tượng ngọc Nephrite Quán thế âm tư thế ngồi lớn nhất VN..
Theo đại đức Thích Không Nhiên, trong nỗ lực khảo sát nghiên cứu di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn, nhóm công tác thuộc Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã làm xuất lộ và sưu tầm được hơn 90 văn bia ma nhai (văn tự được khắc lên vách đá ở sườn núi). Các văn bản ma nhai hiện đang lưu tại 5 hang động, gồm: Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham, Âm Phủ và một số vị trí tại ngọn Thủy Sơn, trong đó, động Huyền Không chiếm đến 60 văn bản. Đa phần các văn bản không còn nguyên vẹn, bởi một số bị phong hóa theo thời gian, một số lại bị bôi lấp bởi vôi và xi măng. “Đáng tiếc nhất là trong số 8 bia ký thời chúa Nguyễn hiện còn, có 5 tấm đã bị đục hết nội dung chữ...”, vị đại đức nói.
Th.S Lê Thọ Quốc, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN tại Huế, cho rằng: “Bản thân các động có ma nhai đã chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa, giá trị về văn học đủ làm một cuốn sách. Toàn bộ những văn bia này cần được quan tâm nhiều hơn. Chúng tôi khuyến cáo, việc hư hại các bức ma nhai ngoài việc do thời gian thì chính do bàn tay con người phá hỏng, tác động lên. Việc lưu trữ thông tin ma nhai cần phải có phương pháp hợp lý và đầy đủ hơn nữa”. Đồng quan điểm, đại đức Thích Không Nhiên nhận định, ma nhai Ngũ Hành Sơn là nguồn tư liệu quý, lưu giữ nhiều thông tin có giá trị liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển một vùng đất - nơi đánh dấu sự “cộng cư” hài hòa, sinh động giữa người Việt di cư và người Chăm tiền trú, cần có biện pháp kịp thời nhằm cứu vãn và bảo tồn nguồn tư liệu quý giá này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.