Cặp vợ chồng khiếm thị: Yêu nhau vì hỗ trợ cộng đồng người khiếm thị

09/12/2021 19:35 GMT+7

Anh Hải và chị Dung đến với nhau bằng những đồng điệu ở tâm hồn và quan điểm sống chứ không chỉ vì cả hai đều là người khiếm thị. Tình yêu suốt 5 năm với nhiều thử thách đã đi đến bến đỗ với một lễ đính hôn tình cảm và xúc động.

Anh Nguyễn Minh Hải (26 tuổi, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) chia sẻ câu chuyện lễ đính hôn của mình trên mạng xã hội, thu hút hơn 14.000 lượt tương tác. Lễ đính hôn của cặp đôi khiếm thị đã lay động trái tim mọi người và dành được nhiều lời chúc phúc từ cư dân mạng.

Lễ đính hôn của cặp đôi khiếm thị tổ chức tại nhà thờ vào ngày 22.11 vừa qua

NVCC

Đồng điệu 5 năm trước, chị Bùi Thị Dung (28 tuổi, Lâm Đồng) đăng tin tuyển dụng vị trí SEO Google cho công ty. Thời điểm đó, anh Hải vẫn đang học lớp 12 vì khiếm thị khiến việc học đứt quãng. Anh quyết định nhắn tin cho chị Dung để trao đổi về công việc và từ đây mối tơ duyên đã gắn kết hai người lại với nhau. “Tôi và cô ấy nói chuyện với nhau thấy hợp và vui. Dần dần, chúng tôi phát hiện cả hai có nhiều mối quan tâm, sở thích chung. Hai đứa mình yêu nhau không phải như mọi người nghĩ là khiếm thị thì sẽ đồng cảm với nhau. Chúng tôi đến với nhau không phải bằng quan điểm đó, mà đơn giản là cả hai có nhiều điểm chung”, anh Hải chia sẻ. “Tôi là người khiếm thị nên muốn làm những hoạt động để thay đổi định kiến cộng đồng về những người như mình. Trước đây, tôi cũng ấp ủ ý tưởng này từ hồi sinh viên. Khi nói chuyện với Hải, bạn ấy cũng hưởng ứng và có dự định tương tự. Chúng tôi đã tìm được tiếng nói chung”, chị Dung tâm sự.

5 năm bên nhau, hai người đã trải qua nhiều thử thách và tìm được bến đỗ của đời mình

Trong 5 năm bên nhau, hai người không phải lúc nào cũng êm đềm và hạnh phúc. Sau tốt nghiệp cấp ba, anh Hải muốn theo đuổi lĩnh vực kinh tế và gửi hồ sơ xin học bổng cho người khuyết tật ngành quản trị kinh doanh. Nhưng việc nhận sinh viên khuyết tật ở các ngành này khá khó. Gặp nhiều sự phản đối, anh nản chí và buồn bã. Chị Dung đã ở bên và động viên anh cố gắng. “Mình nghĩ mình làm được là mình sẽ làm được”, chị nói. Vượt qua thời gian khó khăn, anh Hải đã nhận được học bổng của Trường đại học RMIT TP.HCM với chuyên ngành mình mong ước và gần hoàn thành việc học.

Ước mơ cho người khiếm thị

Dịch bệnh bùng phát, cả đám cưới và công việc kinh doanh của anh chị đều phải dừng lại. Gia đình hai bên thấy đôi trẻ đã yêu nhau lâu và cũng muốn có cháu bế bồng nên giục cả hai sớm về chung một nhà. Lễ đính hôn của anh chị được tổ chức tại nhà thờ địa phương ngày 22.11 trước sự chứng kiến và chúc phúc từ hai gia đình. Ban đầu, anh chị lựa chọn một chiếc váy cưới đơn giản, nhẹ nhàng để cô dâu dễ đi lại. Sau khi chuẩn bị mọi thứ, mẹ anh Hải lại quyết định chọn mẫu váy mới ở cửa hàng, dài và xòe để cô dâu rạng ngời nhất trong lễ đính hôn. Chia sẻ cảm xúc về sự quan tâm từ mẹ, chị Dung cười nói: “Hôm đó, tôi rất run. Lễ đính hôn cũng không có nghi thức gì phức tạp nhưng thấy run. Nhiều người hỏi sao tôi không quen một người thấy đường, sau này sinh con sẽ có người chăm sóc, đỡ đần. Tôi nói là người thấy đường mà không quan tâm đến mình thì cũng như vậy thôi”.

Anh Hải mất hoàn toàn thị lực vào năm 14 tuổi, còn chị Dung thì vào năm 8 tuổi. Cả hai cùng bị bong giác mạc và hoàn toàn không nhìn thấy gì. Nhưng cuộc sống của cả hai không có gì khác với người bình thường. Anh Hải còn có sở thích nấu ăn và làm vườn. “Tôi thích nấu nướng, trồng rau, trồng cây. Cách đây hơn 1 năm, tháng 4.2020, tôi nhận được giải của một cộng đồng người yêu bếp khi chia sẻ về hành trình vào bếp của mình. Đó là niềm vui của tôi và tôi nghĩ mình cố gắng là được thôi. Tôi nấu không quá xuất sắc nhưng tự tin để nấu cho bạn bè, gia đình. Mình có thể nấu như người sáng mắt, chỉ cần cố gắng thôi”, chàng trai khiếm thị tâm sự. Hai anh chị đang kinh doanh massage bấm huyệt khiếm thị. Vì dịch kéo dài, tiệm spa tại TP.HCM đã đóng cửa và chi nhánh tại TP.Đà Lạt cũng tạm dừng hoạt động. Với hai vợ chồng, việc kinh doanh không chỉ là thu nhập. Anh chị muốn xây dựng mô hình massage người khiếm thị lành mạnh và chuyên nghiệp hơn.

Anh Hải bộc bạch: “Tôi có ước mơ cải thiện ngành massage của người khiếm thị. Những vấn đề phía sau việc massage đã và đang ảnh hưởng nhiều đến người khiếm thị. Mức lương thấp, công việc không ổn định và nhiều mặt trái. Tôi muốn xây dựng một môi trường lành mạnh, tối ưu nguồn thu cho các bạn ấy”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.