Cắt cáp đối thủ cạnh tranh

10/09/2013 08:45 GMT+7

(TNO) Đang yên lành, đùng một cái Công ty Cổ phần Viễn thông FPT - chi nhánh TP.HCM (gọi tắt là FPT) bị một doanh nghiệp cùng lĩnh vực cắt đứt đường truyền khiến dịch vụ cung cấp internet của công ty này bị gián đoạn.

(TNO) Đang yên lành, đùng một cái Công ty cổ phần Viễn thông FPT - chi nhánh TP.HCM (gọi tắt là FPT) bị một doanh nghiệp cùng lĩnh vực cắt đứt đường truyền khiến dịch vụ cung cấp internet của công ty này bị gián đoạn.


Cáp của FPT bị cắt - Ảnh: FPT cung cấp

Sự việc xảy ra tại Khu công nghệ cao TP.HCM, quận 9 (TP.HCM) và “thủ phạm” bị tố cắt cáp là Công ty cổ phần hạ tầng viễn thông CMC (gọi tắt là CMC) - một đối thủ cạnh tranh cùng lĩnh vực với FPT ở khu công nghệ cao này.

m thầm “thiến” cáp

Ngày 30.8, FPT nhận được khiếu nại về việc một số khách hàng (Công ty Nidec Việt Nam, Nidec Servo, FSoft) sử dụng dịch vụ viễn thông của FPT ở Khu công nghệ cao TP.HCM bị gián đoạn dịch vụ internet.

Trước phản ánh của khách hàng, FPT cử nhân viên xuống hiện trường kiểm tra. Tại đây, công ty phát hiện lỗi gián đoạn internet là do cáp treo của công ty bị cắt. Tìm hiểu sự việc, FPT nghi ngờ sự cố đứt cáp có dấu hiệu bị phá nên đã cho nhân viên mật phục tại hiện trường.

Đến trưa 3.9, tức là sau 4 ngày xảy ra sự cố, đội tuần tra của FPT đã phát hiện ông Võ Đức Tân, nhân viên của Công ty CMC - đang leo lên cột điện lực cắt một số đoạn cáp của FPT.

Sự việc sau đó được lập biên bản, lấy lời khai với sự chứng kiến của lãnh đạo Khu công nghệ cao TP.HCM, công an khu vực và đại diện hai công ty.

Ông Đinh Quang Tuấn, Phó Ban chất lượng FPT cho hay hành động cắt cáp của nhân viên CMC không vì mục đích trộm cắp tài sản thông thường mà với động cơ triệt hạ đối thủ cạnh tranh cùng lĩnh vực của Công ty CMC.

“Họ không cắt đứt hẳn cáp mà cố tình chỉ bấm đứt co thông tin phía trong cáp nên rất khó phạt hiện. Điều đáng chú ý là có rất nhiều cáp của công ty kinh doanh cùng lĩnh vực như VNPT, Viettel treo trên trụ điện nhưng chỉ có cáp của FPT bị cắt”, ông Tuấn bức xúc.

PV Thanh Niên Online đã tới trụ sở của CMC ở TP.HCM để tìm hiểu thông tin. Tại đây, chúng tôi đã gặp ông Trần Quang Minh Trí, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật của CMC và là người trực tiếp làm việc với FPT về vụ cắt cáp để hỏi thông tin. Tuy nhiên, ông Trí từ chối trả lời với lý do “không có thẩm quyền phát ngôn”.

 

Theo ông Tuấn, dấu hiệu cố tình phá hoại rất rõ ràng bởi trên mỗi dây cáp đều treo biển và số điện thoại công ty. Ngoài ra, trên thân cáp cứ cách 1m lại in chữ FPT Telecom, nhà sản xuất và ngày tháng sản xuất cáp, dung lượng cáp.

Ông Tuấn nói: “Với những dấu hiệu nhận biết rõ ràng như trên thì với dân kỹ thuật, có sơ ý đến mấy cũng không thể cắt nhầm được”.

Thống kê của  FPT, sự cố đứt cáp đã khiến công ty tốn khoảng 15 triệu đồng để mua cáp và phụ kiện thay thế. Quan trọng hơn, việc internet ngưng hoạt động đã khiến uy tín của công ty với đối tác bị ảnh hưởng. Nhiều đối tác đã liên hệ với FPT đưa ra con số thiệt hại và yêu cầu bồi thường khoảng 70-80 triệu đồng.

“Sự việc còn ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của cơ quan quản lý Nhà nước lân cận khu công nghệ cao quận 9...”, ông Tuấn nói.

FPT cũng đã có văn bản báo cáo sự việc tới các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Công an TP.HCM, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM.

“Cả hai đều sai”

Trao đổi với PV Thanh Niên Online, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết trước năm 2010, khi chưa có chủ trương ngầm hóa hệ thống hạ tầng (điện, nước, viễn thông) trong khu công nghệ cao, các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ đều đi cáp nổi trên mặt đất. 

Tuy nhiên, sau khi có chủ trương ngầm hóa hệ thống hạ tầng, CMC đã được Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chọn lựa để cấp giấy phép đầu tư dự án.

“Đáng lý ra Nhà nước phải xây dựng hệ thống này nhưng theo chủ trương xã hội hóa, chúng tôi đã chọn CMC. Họ đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng hạ tầng ngầm thì nay doanh nghiệp nào muốn sử dụng đều phải thông qua và thuê lại của CMC”, bà Loan khẳng định.

Bà Loan cũng cho biết sau khi hoàn thành hệ thống ngầm, CMC cho các doanh nghiệp sử dụng miễn phí thời gian dài mà không thấy ai kêu ca gì. Từ đầu năm 2013, CMC mới bắt đầu có kế hoạch thu phí. Hiện VNPT, Viettel... đều đồng ý thuê hệ thống ngầm của CMC, chỉ riêng FPT là chưa đạt được thỏa thuận.

“Hai bên chưa hợp tác do chưa đạt được thỏa thuận về giá cả. Ban quản lý đang lên kế hoạch làm việc về vấn đề này thì xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Trong việc này, cả FPT và CMC đều sai. FPT sai khi không có giấy phép đầu tư cung cấp dịch vụ ở trong khu công nghệ cao còn tự ý treo cáp tùm lum không coi ban quản lý ra gì. Còn CMC sai khi tự ý cắt cáp của FPT mà không có thông báo hay giải thích cho người ta hiểu”, bà Loan nói.

Ông Đinh Quang Tuấn thừa nhận việc ngầm hóa hạ tầng thay cho hệ thống nổi là xu thế chung cần phải thực hiện. Tuy nhiên, từ trước tới nay FPT chưa bao giờ nhận thông báo của Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM về chủ trương chuyển đổi này. Gần đây, ban quản lý mới có yêu cầu các nhà mạng xử lý hệ thống nổi thì xảy ra sự cố.

“Chưa kể giá thuê hạ tầng của CMC rất đắt. Nếu chúng tôi mà thuê của họ coi như hết lời lãi, thậm chí còn thua lỗ”, ông Tuấn nói.

Bà Loan khẳng định ở đây không có chuyện độc quyền. Các doanh nghiệp đều có quyền cung cấp dịch vụ viễn thông cho đối tác ở khu công nghệ cao nhưng phải tuân thủ đúng quy định bằng việc thuê lại hạ tầng ngầm của doanh nghiệp đã được cấp phép.

Cần làm rõ quy trình CMC được cấp phép có khách quan không?

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, luật sư điều hành Hãng Luật Giải Phóng cho hay luật Cạnh tranh chỉ coi doanh nghiệp liệu có độc quyền hay không khi xem xét doanh nghiệp đó có vị trí thống lĩnh dựa trên toàn thể thị trường. Còn ở đây nếu có thì CMC chỉ thống lĩnh thị trường ở trong phạm vi nhỏ hay ở quy mô dự án nên không thể áp luật Cạnh tranh xem xét trường hợp này được.

Vấn đề pháp lý cần làm rõ ở đây là vì sao Khu công nghệ cao TP.HCM lại chọn CMC làm nhà đầu tư hạ tầng ở đây mà không chọn doanh nghiệp khác. Nếu việc lựa chọn CMC thông qua công tác đấu thầu có sự tham gia của cả FPT, VNPT, Viettel… thì không có chuyện gì. Còn nếu Khu công nghệ cao TP.HCM chỉ định và cấp phép đầu tư cho CMC để đẩy các đối thủ cạnh tranh trực tiếp vào thế khó thì ban quản lý đã tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng.

“Khu công nghệ cao TP.HCM cũng cần đưa ra lộ trình cụ thể để doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi phù hợp chứ không thể nói xong là làm liền”, luật sư Hưng nói.

Trung Hiếu

>> ASEAN mạnh hơn về năng lực cạnh tranh
>> Tin đồn về thực phẩm 'lạ': Có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh
>> Xếp hạng cạnh tranh kinh tế: Việt Nam tăng 5 bậc
>> Cần để doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bình đẳng
>> Cạnh tranh với những "người khổng lồ
>> Cá tra mất thế độc quyền
>> Mỹ xử vụ kiện độc quyền về gien
>> VTV, VTC, AVG sẽ “độc quyền” dịch vụ truyền dẫn phát sóng
>> Không có chuyện Trung Quốc được “độc quyền” cứu hộ tại biển Đông
>> Còn độc quyền, còn tăng giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.