Hành trình gần 15 năm cho những nỗ lực ban đầu thực hiện Chính phủ điện tử có vẻ vẫn còn rất chông gai, khi mà tình trạng cát cứ số liệu thống kê giữa các bộ, ngành vừa được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra hôm 16.8.
Chưa nói đến chuyện hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, việc không liên thông dữ liệu quốc gia đang khiến ngay cả chủ trương xử phạt nguội phương tiện vận tải vi phạm cũng trở nên vô cùng khó khăn, như kiến nghị của Sở GTVT TP.HCM.
Một vấn đề được nói rất nhiều, rất lâu và có cả một đề án ngân sách chi cỡ khoảng 3.400 tỉ đồng, đó là quản lý cơ sở dữ liệu về cá nhân. Thế nhưng đến nay cũng vẫn là, đến mỗi cơ quan lại bắt buộc khai báo chi tiết từ đầu. Ngành công an, có dữ liệu về công dân; ngành tư pháp cũng có dữ liệu cá nhân về mỗi con người; ngành thuế và ngân hàng cũng vậy, khi cá nhân đó sử dụng các dịch vụ liên quan... Thế nhưng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành này lại không thể liên thông nhau, khiến việc đối soát, tham chiếu trong từng trường hợp gặp rất nhiều khó khăn và mất thời gian. Ví dụ, một người sử dụng chứng minh nhân dân để đăng ký dịch vụ viễn thông hoặc dịch vụ ngân hàng, nếu liên thông với dữ liệu Bộ Công an, ngay lập tức có thể xác định số chứng minh nhân dân đó có hợp lệ hay không. Thế nhưng hiện nay không thể làm điều đó, phải chờ hậu kiểm mới biết được. Với các dịch vụ hải quan, thuế, cấp đổi bằng lái xe... cũng tương tự.
Việc không liên thông dữ liệu quốc gia, không chỉ khiến người dân tốn thời gian trong việc thực hiện các thủ tục hành chính mà lớn hơn nó gây lãng phí về nguồn lực nhà nước trong quản lý, điều hành. Và đây có vẻ đang là điểm khó khăn nhất trong phát triển Chính phủ điện tử ở VN.
Với Nghị quyết 36a (tháng 10.2015), Chính phủ xác định, Chính phủ điện tử là việc bắt buộc phải làm để minh bạch hóa nền hành chính công và rằng, trình độ công nghệ của VN đủ để sẵn sàng phục vụ chính quyền điện tử. Vậy điều gì khiến quá trình ấy chậm trễ, 15 năm vẫn bước những bước đi đầu tiên; thành quả vật chất rõ nhất mới chỉ là các cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các tỉnh, thành phố?
Chính phủ điện tử với mục tiêu là mọi thủ tục hành chính được giải quyết qua mạng, đăng tải công khai, mà nội hàm của nó chính là mọi hoạt động hành chính đều phải minh bạch trước mắt người dân.
Minh bạch mọi con số, mọi hoạt động dường như chưa phải là điều mong muốn của nhiều công chức. Chịu sự giám sát trực tiếp của người dân lại càng có vẻ xa lạ trong tâm lý của nhiều cán bộ. Cải cách hành chính chính là cải cách con người, thế nên mới nói, nếu muốn tìm điểm đột phá cho cải cách hành chính, VN nên chọn thúc đẩy Chính phủ điện tử.
Bình luận (0)